PTT Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Thuận

PTT Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Thuận
3 giờ trướcBài gốc
Đêm 19/4, tại TP. Phan Thiết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025) và hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo. Dự Lễ kỷ niệm có đại diện của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại lịch sử hào hùng của Bình Thuận qua các thời kỳ. Trong những ngày này của 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy khu VI và Tỉnh ủy Bình Thuận, với khí thể bão táp cách mạng, quân và dân Bình Thuận cùng với bộ đội chủ lực đã giải phóng tỉnh Bình Thuận. Từ đó, góp phần tạo nên sức mạnh tổng lực, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.
Sau ngày non sông thu về một mối, bắt tay vào công cuộc xây dựng tái thiết đất nước, từ tháng 2/1976 đến năm 1991, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Bình Thuận là một phần ở phía Nam tỉnh Thuận Hải. Tỉnh Bình Thuận được tái lập từ năm 1992.
Giai đoạn đầu khi mới tái lập tỉnh vào năm 1992, Bình Thuận là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu hụt, quy mô kinh tế nhỏ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nắng gió, khô hạn,... Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, với quyết tâm, trí tuệ và sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, Bình Thuận đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm chọn được hướng đi phù hợp.
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm.
Từ một địa phương “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”, đến nay, công cuộc “trị hạn” với sáng kiến nối mạng thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành quả to lớn, mở lối cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và có mặt ở khắp các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức khá so với bình quân chung của cả nước (năm 2024 GRDP tăng 7,25%); quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt hơn 128.000 tỷ đồng, gấp gần 33 lần so với năm 1992 và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 59 triệu đồng gấp gần 44 lần so với năm 1992. Bộ mặt đô thị, nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,16%; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường hơn 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và hướng tới những mục tiêu cao hơn: Trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.
Bình Thuận cần tập trung phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; phát triển dựa trên sự cân bằng giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, đất liền và biển đảo, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025 - 2030 đạt hai con số.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Bình Thuận quan tâm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp theo đúng Chỉ thị số 45, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phát huy dân chủ và tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Quyết liệt thực hiện và hoàn thành sớm chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
"Tổ chức bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị hành chính sau sắp xếp phải phát triển mạnh mẽ hơn và phục vụ người dân tốt hơn. Đội ngũ cán bộ sau sắp xếp mà đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy phục vụ nhân dân, có khát vọng phát triển, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói.
Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/ptt-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-du-le-ky-niem-50-nam-giai-phong-binh-thuan-post1193362.vov