Diện mạo TP Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại.
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, TP Thanh Hóa là nơi sinh ra và nuôi dưỡng cho non sông, đất nước nhiều bậc anh hùng hào kiệt thời kỳ chống phong kiến phương Bắc đô hộ, thời kỳ giành quyền độc lập của các triều đại phong kiến Việt Nam và đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng của vùng đất dọc bờ sông Mã này một lần nữa được thổi bùng lên mạnh mẽ. Không chỉ là hậu phương cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, thành phố còn là chiến trường nóng bỏng, trực tiếp chôn vùi nhiều quân xâm lược. Khi nói đến một trong những sự kiện vẻ vang, đã in vào lịch sử dân tộc Việt Nam một trang chói lọi, trước hết phải nói đến chiến thắng Hàm Rồng. Đây là thắng lợi có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khi quân và dân ta đã chiến thắng ngay trận đầu và chiến thắng đầy oanh liệt trước đòn tấn công ồ ạt từ “sức mạnh không lực Hoa Kỳ”. “Pháo đài thép” Hàm Rồng đã trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Mỹ. Các phi công Mỹ sau này đã phải thừa nhận: Hàm Rồng là một trong những trận địa phòng không ác liệt nhất.
Trang sử vàng lấp lánh chiến công của quân, dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã khép lại cùng lịch sử, nhưng bản anh hùng ca bất tử ấy vẫn vang vọng cùng núi sông. Tròn 6 thập kỷ, Hàm Rồng từ “pháo đài bất tử” hiên ngang đang vững tin bước vào kỷ nguyên mới, mang theo dấu ấn lịch sử rất đỗi hào hùng. Dấu ấn ấy không chỉ là niềm tự hào, mà còn là ngọn lửa thắp sáng khát vọng vươn cao, bay xa. Với mạch nguồn lịch sử được kết tinh qua thời gian và lưu giữ đến hôm nay, TP Thanh Hóa đang có trong mình “trụ đỡ” tinh thần quan trọng để kiến tạo, xây dựng vùng đất này ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đi lên từ một thị xã nghèo nàn, nhỏ bé, lại bị tổn thất nặng nề bởi hai cuộc chiến tranh, mảnh đất kiên trung, anh dũng năm xưa nay đã khoác lên mình một diện mạo mới tươi đẹp đầy sức sống. Qua 5 lần mở rộng địa giới hành chính, dân số thành phố đã tăng lên trên 615.000 người, đứng thứ 2/19 các đô thị loại I về quy mô dân số, đứng thứ 9/19 đô thị loại I cả nước về diện tích tự nhiên với 228,22km2. Thành phố phát triển đi lên không chỉ cho riêng mình, mà còn có trách nhiệm với cả xứ Thanh. Bởi vậy, những năm qua, thành phố đã tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đạt được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố như thu ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa... đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ năm 2024 đạt 49.117 tỷ đồng, xếp thứ nhất cả tỉnh; tổng giá trị sản xuất của thành phố đạt 81.220 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn tỉnh; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,25%, xếp thứ 4 toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề hoạt động.
Diện mạo TP Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại.
Để tạo ra những đột phá mới thúc đẩy đô thị tỉnh lỵ phát triển, thành phố đã nắm bắt cơ hội, vận dụng hiệu quả, linh hoạt những cơ chế, chính sách và ưu tiên các nguồn lực để kiến tạo “bộ khung” hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, các khu dân cư lụp xụp với hạ tầng thấp kém, các vùng ven đô đã trở thành khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị cho thành phố. Tọa lạc ở vị trí đắc địa, Khu đô thị – thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa là một trong những trung tâm thương mại sầm uất, đẳng cấp nhất xứ Thanh. Khu Vinhomes Star City là dự án hiếm hoi hội tụ cả 3 yếu tố “cận lộ - cận giang - cận thị”, trở thành nơi ở lý tưởng cho nhiều cư dân đô thị. Khu đô thị Đông Hải được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại, cùng không gian sống xanh tạo nên hình ảnh ấn tượng về thành phố đang phát triển năng động và hiện tại... Sự đổi thay vóc dáng thành phố hôm nay còn hiện hữu bởi những công trình giao thông có tính kết nối cao giữa các dải đô thị, khu vực nông thôn và 6 trung tâm của thành phố với các vùng kinh tế trọng điểm trong, ngoài tỉnh, bảo đảm kết nối thuận lợi giữa các khu đô thị, giữa thành phố với vùng phụ cận, với các trục, tuyến giao thông quốc gia.
Khát vọng xây dựng thành phố ngày càng phát triển thịnh vượng được thể hiện rõ nét khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa theo Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần sáp nhật lịch sử này đánh dấu mốc vô cùng quan trọng, bởi sau 220 hình thành và phát triển, chưa bao giờ TP Thanh Hóa có được thế và lực như hôm nay. Với dáng vóc của một đô thị “tựa núi, ven sông, hướng biển”, TP Thanh Hóa phát triển mạnh về phía Tây để gắn kết TP Thanh Hóa với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và kết nối mạnh hơn sự phát triển của trung tâm động lực kinh tế TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn - khu vực miền Tây của tỉnh; đồng thời, phát triển về phía Đông Bắc để hình thành đô thị “hai bờ sông Mã”. Từ đó, hình thành không gian đô thị tập trung, lan tỏa, kết nối ba vùng là miền núi, đồng bằng và ven biển tỉnh Thanh Hóa.
Thành phố bên bờ sông Mã đang căng tràn sức sống. Và sâu trong lòng nó, có một “sức mạnh mềm” của truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và bề dày văn hóa giàu giá trị, đang và sẽ trở thành nền tảng tinh thần, thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, thôi thúc thành phố bước nhanh, bước mạnh sang một chương mới, với niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển thịnh vượng và giàu bản sắc.
Bài và ảnh: Tố Phương