Qua mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ ở HTX Nam Cường

Qua mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ ở HTX Nam Cường
2 giờ trướcBài gốc
Sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ ở Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường.
Đòi hỏi từ thực tiễn
HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường là đơn vị có truyền thống sản xuất nông nghiệp an toàn, đã có 7 sản phẩm rau, củ, quả đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc gieo trồng lúa và các loại rau, màu của HTX Nam Cường nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung đang đối diện với không ít thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu, sâu bệnh diễn biến phức tạp, đất bạc màu do sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác do thói quen của nông dân trong sản xuất vẫn đặt mục tiêu năng suất, sản lượng lên hàng đầu. Theo các chuyên gia, việc sử dụng nhiều giống, phân bón hóa học có thể để lại hệ lụy lâu dài… Để tối ưu giá trị kinh tế trong canh tác nông nghiệp phải bắt đầu từ việc sử dụng lượng giống, phân bón hợp lý, tái sử dụng hợp lý nguồn phụ phẩm, phế phẩm rất lớn là rơm, rạ trong quá trình canh tác lúa hằng năm. Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh người nông dân thường đốt rơm, rạ ngay tại ruộng, hoặc xả thải xuống kênh mương gây ách tắc dòng chảy và khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Để góp phần giải quyết triệt để tình trạng này, dự án "Sử dụng phân bón đúng" do Cục Nông nghiệp Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) chủ trì và tài trợ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) là chủ dự án đang tích cực triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cần Thơ. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ USDA, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đã phối hợp Sở NN và PTNT tổ chức tập huấn công nghệ và bàn giao máy trộn tự hành xử lý rơm, rạ cho HTX Nam Cường. Đồng chí Nguyễn Văn Dự, Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường cho biết: Các chuyên gia của IRRI đã giới thiệu, trình diễn công nghệ cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm, hướng dẫn cách xếp luống phân hữu cơ, cách thức vận hành máy đảo trộn tự hành; được dự án bàn giao máy đảo trộn tự hành. HTX sẽ tập trung vận hành hiệu quả, đồng thời tích cực chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm của mình tới đông đảo bà con nông dân trong vùng.
HTX Nam Cường hiện đang canh tác hơn 20ha rau, màu; trong đó đã có gần 5ha đang sử dụng phân bón hữu cơ chế biến từ rơm, rạ để chăm sóc rau màu, cho chất lượng và giá trị cao hơn hẳn so với gieo trồng theo phương thức truyền thống. Bà Nguyễn Thị Liển, ở đội sản xuất số 3 là một trong những hộ đầu tiên tham gia chương trình sử dụng phân bón hữu cơ sản xuất từ rơm, rạ để bón cho rau. Bà Liển cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng, trong đó có hơn 2 sào đất màu trồng rau. Vụ xuân vừa qua, tôi đã sử dụng phân hữu cơ do HTX sản xuất để bón cho rau. Theo cán bộ kỹ thuật phân tích, phân bón hữu cơ đã tạo ra các vi khuẩn có lợi để bổ sung chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất độc trong đất trước khi gieo trồng. Kết quả thực tế cho thấy, cây rau phát triển tốt, rất ít sâu bệnh, lại cho chất lượng rau, củ, quả an toàn nên giá bán cao hơn gấp rưỡi so với trước đây. Sản phẩm tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng chấp nhận. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng phân bón hữu cơ để gieo trồng, chăm sóc rau màu, lúa trong những vụ tới...
Theo khuyến cáo của chuyên gia IRRI, nông dân có thể ủ rơm, rạ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, bổ sung dưỡng chất cho đất tương tự phân bón hóa học. Ngoài việc tạo giá trị mới cho rơm rạ, việc dùng rơm ủ làm phân hữu cơ còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính. IRRI đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ủ rơm, rạ bằng máy trộn tự hành, năng suất khoảng 138-300m3 rơm, rạ cho 1 lần trộn; thời gian ủ khoảng 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống. Để ủ hiệu quả, người dân cần chuẩn bị luống ủ, đảo trộn, phun men vi sinh, đậy bạt, kiểm tra nhiệt độ, độ pH thường xuyên, đồng thời tiến hành đảo trộn lần 2 sau lần 1 từ 10-15 ngày trước khi kiểm tra thành phẩm.
Với điều kiện thực tế tại HTX Nam Cường, người dân có thể sử dụng thêm phân bò để ủ với tỷ lệ khoảng 40% hoặc thêm đất giàu chất đạm (Nitơ). Một hỗn hợp ủ được xem là tối ưu khi có tỷ lệ thành phần gồm 60% rơm, 30% phân bò và 10% đất. Khi phối trộn, IRRI khuyến nghị phun thêm men vi sinh với lượng 1 lít men vi sinh gốc pha kèm với 1kg mật rỉ đường, 18 lít nước, ủ trong 7 ngày thu được 20 lít men vi sinh thứ cấp. Mỗi lít men thứ cấp pha với 10 lít nước phun cho khoảng 250kg nguyên liệu. Trong quá trình ủ phân, người dân cần chú ý đến nhiệt độ và độ ẩm. Điều kiện tốt nhất là trong khoảng 50-70 độ C và 50-60% độ ẩm. Nhiệt độ của luống phân ủ sau đậy bạt thường có xu hướng giảm, rồi tăng lên sau mỗi lần đảo trộn. Sau 45 ngày tính từ lần đảo trộn đầu tiên, phân hữu cơ có thể sử dụng cho gieo trồng hoặc chăm sóc cho cây trồng. Phân bón thành phẩm được xem là chất lượng nếu đạt tỷ lệ C/N là 13-14,5; độ pH từ 6,8-7,2; nên trải đều lên sàn rộng hoặc phơi nắng để giảm độ ẩm trước khi ép thành viên nén và bảo quản.
Giải pháp tối ưu cho sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, tỉnh ta hiện có khoảng 73 nghìn ha đất trồng lúa, sản lượng lúa hàng năm khoảng 900 nghìn tấn. Khối lượng rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn. Vì thế, Nam Định rất phấn khởi khi được chọn là 1 trong 6 địa phương tham gia dự án "Sử dụng phân bón đúng". Trên thực tế những năm qua, tỉnh đang tích cực định hướng cho các địa phương, HTX và nông dân chuyển đổi từ sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ, thể hiện ở việc hình thành 39 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tham gia các chuỗi liên kết, người dân ngày càng hiểu những mặt trái của việc lạm dụng phân bón vô cơ như gây chai đất, sinh trưởng của cây trồng bị ảnh hưởng, tính chống chịu, thích ứng với thời tiết, khí hậu ngày càng giảm sút. Hiện, tỉnh có nhiều chủ trương khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ bằng những buổi đào tạo, tập huấn nhằm thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón trong trồng trọt, cũng như tăng cường sử dụng các biện pháp hữu cơ để xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Mô hình tái chế rơm, rạ thành phân bón ở HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường là một mô hình hay, hiệu quả, giúp người dân thay đổi nhận thức, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, bền vững. Từ đó có điều kiện nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường tốt hơn và giảm tình trạng đốt hay cấy vùi rơm, rạ xuống ruộng ướt gây phát thải khí nhà kính.
Ông Robert Caudwell, Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam thông tin thêm, công nghệ xử lý rơm, rạ đã được IRRI nghiên cứu từ nhiều năm và phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT triển khai trong thực tế tại đồng bằng sông Cửu Long. Công nghệ này giúp giải quyết đồng thời 2 vấn đề là chất lượng và giá thành phân bón. Rơm, rạ được phối trộn đều với tỷ lệ hợp lý, trong thời gian ngắn giúp người dân giảm thời gian lao động. Quá trình phân hủy rơm, rạ cũng được tính toán một cách tối ưu trong vòng 45 ngày. Việc sản xuất phân bón từ rơm, rạ có thể thay đổi cách nhìn nhận của nông dân về phụ phẩm này, giúp họ có động lực thu gom rơm, rạ ngay từ lúc thu hoạch, không vứt bỏ bừa bãi vừa gây lãng phí, vừa gây hại cho môi trường.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền và thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rơm, rạ, góp phần thúc đẩy phát triển phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, nông nghiệp xanh và giảm thiểu tình trạng đốt rơm, rạ trên đồng ruộng.
Bài và ảnh: Văn Đại,
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/qua-mo-hinh-ung-dung-cong-nghesan-xuat-phan-bon-huu-co-o-htx-nam-cuong-6753fa5/