Số hóa cây lúa: Tăng tốc để bứt phá trên xa lộ nông nghiệp mới

Số hóa cây lúa: Tăng tốc để bứt phá trên xa lộ nông nghiệp mới
2 giờ trướcBài gốc
Từ năm 2023, tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, bà con tham gia mô hình sẽ sản xuất lúa theo quy trình an toàn, ứng dụng thiết bị bay (Drone) trong phun thuốc, được liên kết đầu tư cả về giống, phân bón và bao tiêu thu mua sản phẩm. Sử dụng công nghệ này sẽ làm cho các hạt dung dịch phát tán đều, thấm toàn bộ vào thân, lá nên hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phun thông thường. Đồng thời phun được trên diện rộng, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và phù hợp với sản xuất tập trung quy mô lớn, giảm chi phí.
Khi sử dụng máy bay không người lái còn giảm lượng thuốc BVTV dư thừa thải ra môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện môi trường sống. Về chất lượng bông lúa và hạt lúa thì tỉ lệ hạt lép cũng như bệnh hại cây trồng rất thấp, chính vì vậy năng suất tăng lên rõ rệt và thu nhập của bà con nông dân đã tăng cao.
Tại các HTX nông nghiệp ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, việc sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật theo cánh đồng lớn, quy mô từ 20 - 30 ha cũng đã được triển khai từ năm 2012, vừa nâng cao sản xuất lao động, tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và giải quyết tình trạng thiếu nhân công khi mùa vụ đến. Từ năm 2018 đến nay, nhiều HTX cũng bắt đầu triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đem lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái. Những năm trước đó, việc sản xuất lúa theo lối truyền thống, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón thường xuyên xảy ra khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đồng thời cũng khiến thị trường đầu ra bấp bênh.
Tại nhiều cánh đồng lúa trên cả nước, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, hình ảnh những cánh đồng lúa không dấu chân người đã ngày càng phổ biến. Công việc đồng áng của người nông dân đã thay đổi hẳn, từ “trông trời, trông đất, trông mây”, giờ đây, vật bất ly thân của họ là chiếc điện thoại thông minh.
Quá trình sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Nông dân đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả các loại drone (thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa). Việc tính toán lượng giống, phân, thuốc, nước tưới được thực hiện bằng máy tính dựa trên các chỉ số quan trắc. Nông dân làm lúa không còn cảnh dầm mưa dãi nắng hay vác từng bình xịt thuốc. Bón phân, gieo sạ cũng máy móc làm thay, vừa đều lại không tổn hại sức khỏe, lại còn giảm tới 20 - 30% chi phí so với cách chăm bón lúa truyền thống.
Như nhìn nhận của ông Lâm Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông (Đồng Tháp), trong bối cảnh người nông dân ngày càng khó quyết định giá bán cho sản phẩm lúa gạo, việc giảm triệt để chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu và công lao động đồng nghĩa với tăng lợi nhuận. Và từ bài toán lợi nhuận, từ sự thuận tiện trong công việc sản xuất, chăm bón lúa gạo, người nông dân sẽ ngày càng hiểu tầm quan trọng của công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất cây lúa, từng bước tham gia chuyển đổi diện tích lúa sang hữu cơ áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại.
Từ một vài ví dụ nhỏ trên cũng đủ để cho thấy, số hóa cây lúa, chuyển đổi số việc sản xuất nông nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng đang gặp phải những thách thức chưa từng có từ nhiều phương diện, kinh tế, xã hội, môi trường… thì để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, việc áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân làm giàu trên đồng ruộng của mình.
Vì thế, vấn đề cần làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt hơn nữa, như lời Thủ tướng Chính phủ, là phải “thổi hồn” vào cây lúa, “thổi sức sống mới” cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo cuộc cách mạng cho cây lúa.
Tất nhiên, từ bỏ phương thức cũ theo phương thức canh tác mới, bỏ kỹ thuật cũ để áp dụng kỹ thuật mới với người nông dân hoàn toàn không thể là chuyện “ngày một ngày hai”. Chưa kể, nói như Thạc sỹ Vũ Sơn (Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), trên thực tế, khái niệm về chuyển đổi số còn khá mơ hồ với người nông dân và ngay cả với doanh nghiệp, địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho hệ thống dữ liệu số hóa chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế do chất lượng nhân lực kém. Hiện nay, người nông dân hầu như chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên khó vận hành hiệu quả những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Còn theo Thạc sỹ Nguyễn Phương Lam, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các địa phương cần thay đổi tầm nhìn để xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại; Điều kiện tiên quyết là phải có thể chế phù hợp để tạo ra khuyến khích cho quá trình tăng năng suất và giá trị bền vững. Quá trình này cần được hỗ trợ bằng những thay đổi về khoa học - kỹ thuật như: Cơ giới hóa, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn…
Dễ thấy, hành trình số hóa cho cây lúa, số hóa cánh đồng, công nghệ hóa cung cách sản xuất lúa gạo cho người nông dân sẽ còn là hành trình nhiều thách thức. Nhưng thách thức nào rồi cũng phải hết sức để vượt qua, không những thế phải tăng tốc, quyết liệt hơn nữa để không bị tụt hậu trên xa lộ nông nghiệp toàn cầu thời chuyển đổi số. Trên hết còn là việc đảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, đồng thời đa dạng hóa và đảm bảo sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam.
Thư Hà
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/so-hoa-cay-lua-tang-toc-de-but-pha-tren-xa-lo-nong-nghiep-moi-post317162.html