'Quả ngọt' từ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo của Ấn Độ

'Quả ngọt' từ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo của Ấn Độ
6 giờ trướcBài gốc
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ở Nagaon, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Ấn Độ đã củng cố vị thế của mình như một “người chơi” quan trọng trên thị trường xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất gia tăng ổn định, nhu cầu ngày càng tăng đối với gạo Basmati cao cấp và sự đa dạng hóa chiến lược các thị trường xuất khẩu là những nhân tố thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, thành công của ngành sản xuất gạo Ấn Độ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm rủi ro về khí hậu, sự biến động về chính sách và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia sản xuất gạo khác.
Sản lượng đạt kỷ lục, xuất khẩu gạo Basmati tăng mạnh
Theo báo cáo của Cục Thống kê và Thông tin Thương mại (DGCIS) của Ấn Độ, sản xuất gạo của nước này đạt 137 triệu tấn trong tài khóa 2023-2024, tăng đáng kể so với 129,4 triệu tấn trong tài khóa 2021-2022. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ giúp Ấn Độ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Hiện nay, Ấn Độ chiếm gần 40% tổng xuất khẩu gạo của thế giới, vượt xa các đối thủ như Pakistan (Pa-kix-tan) và Thái Lan. Điều này phản ánh sự tập trung chiến lược của Ấn Độ vào gạo như một mặt hàng quan trọng trong chính sách nông nghiệp và xuất khẩu.
Gạo Basmati của Ấn Độ, nổi tiếng với chất lượng cao và hương thơm đặc trưng, vẫn tiếp tục thu hút nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu.
Trong năm tài khóa 2023-2024, xuất khẩu gạo Basmati đạt 5,24 triệu tấn, tăng mạnh so với 3,94 triệu tấn trong tài khóa 2021-2022.
Tốc độ tăng trưởng 14,93% về khối lượng, 22,05% về giá trị xuất khẩu, cho thấy nhu cầu ngày càng cao đối với gạo Basmati ở các thị trường như Saudi Arabia, Iraq và Vương quốc Anh. Kết quả này cho thấy khả năng của Ấn Độ trong việc tận dụng các đặc tính độc đáo của gạo Basmati trong môi trường cạnh tranh xuất khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo không phải loại Basmati đã gặp nhiều khó khăn, khi giảm 37,52% về khối lượng và 28,05% về kim ngạch trong tài khóa 2023-2024, chủ yếu do quyết định ngừng xuất khẩu gạo phi Basmati vào tháng 7/2023 của Ấn Độ để ổn định giá nội địa.
Lệnh cấm trên, nhằm kiểm soát lạm phát trong nước, đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh xuất khẩu gạo quốc tế. Dù vậy, gạo không phải loại Basmati vẫn chiếm một phần đáng kể trong tổng sản lượng gạo của Ấn Độ và vẫn là hàng hóa xuất khẩu quan trọng.
Trong khi Trung Đông và Nam Á vẫn là những thị trường mua gạo Ấn Độ lớn nhất, New Delhi đã chủ động mở rộng danh sách các điểm đến xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo không phải loại Basmati đã chuyển hướng sang các quốc gia châu Phi, cũng như các thị trường mới nổi khác. Sự đa dạng hóa này giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Giá và chất lượng gạo cạnh tranh
Giá cả cạnh tranh và chất lượng gạo cao của Ấn Độ đã giúp nước này chiếm gần 46% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2023.
Sự thống trị này là nhờ khả năng sản xuất số lượng lớn với chi phí thấp, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và hạ tầng thương mại hiệu quả. Đây là những yếu tố mang lại cho Ấn Độ lợi thế đáng kể so với các đối thủ như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.
Để duy trì vị thế tiên phong, Ấn Độ cần vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, chính sách xuất khẩu và sự thay đổi trong nhu cầu toàn cầu.
Theo các chuyên gia, thành công trên thị trường gạo toàn cầu của Ấn Độ phụ thuộc vào việc giải quyết một số vấn đề quan trọng. Trong đó, phải kể đến các khoản đầu tư vào giống gạo chống chịu tốt với thời tiết, cải thiện hạ tầng xuất khẩu và chú trọng vào các nền tảng số để thu thập thông tin thị trường.
Quản lý sự biến động chính sách, đặc biệt là liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu, sẽ cần thiết để đảm bảo sự hiện diện ổn định của Ấn Độ trên thị trường quốc tế. Với những chiến lược trên, Ấn Độ có thể duy trì vị thế là cường quốc gạo toàn cầu và đảm bảo sự phát triển lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trà My (Theo investing.com)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/qua-ngot-tu-chien-luoc-da-dang-hoa-thi-truong-xuat-khau-gao-cua-an-do/350981.html