Quá nhiều biến chứng của bệnh lao phổi, phòng chống cách nào?

Quá nhiều biến chứng của bệnh lao phổi, phòng chống cách nào?
2 giờ trướcBài gốc
Trong đó, viêm phổi và tình trạng suy giảm chức năng phổi có thể tiếp diễn sau khi bệnh nhân hoàn tất quá trình chữa trị lao. Các di chứng lao phổi xảy ra ngay tại phổi hay ở tim mạch, thần kinh… có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần được giám sát, quản lý di chứng sau khi điều trị lao phổi suốt đời.
Lao phổi là bệnh có thể để lại di chứng, dẫn đến những vấn đề sức khỏe lâu dài dù việc chữa trị căn bệnh này đã có nhiều tiến bộ.
Di chứng của lao phổi là kết quả của quá trình viêm, nhiễm trùng không được chữa trị hoặc chữa trị không kịp thời, với những thay đổi liên tục tại nhu mô phổi, mạch máu, đường thở và bề mặt phổi trong quá trình chữa trị, cũng như sau khi hoàn tất liệu pháp chữa trị.
Những di chứng này có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không có triệu chứng, người bệnh cần phải được thăm khám để bác sỹ phát hiện các di chứng, loại trừ những bệnh lý khác đang hoạt động.
Ngay cả khi bệnh lao phổi được chữa trị thành công thì vẫn có khả năng xảy ra di chứng liên quan đến đường thở trung tâm và ngoại vi, màng phổi, nhu mô phổi, dẫn đến tình trạng hẹp, giãn đường thở, xơ hóa, khí phế thủng, thay đổi mạch máu phổi, xơ màng phổi.
Chất lượng cuộc sống của người bệnh thường suy giảm do tái phát lao, nhiễm trùng thứ phát, dễ bị tái nhiễm, bị viêm dai dẳng, làm suy giảm chức năng phổi tiến triển, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư.
Điều quan trọng là người bệnh lao phổi cần tuân thủ và duy trì phác đồ điều trị đầy đủ, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ để chủ động phát hiện, dự phòng, điều trị các di chứng sau khi điều trị lao phổi có thể xảy ra.
Người bệnh lao phổi có thể gặp các di chứng sau khi điều trị lao phổi do tình trạng bệnh nặng, phát hiện hoặc chữa trị bệnh muộn, dùng thuốc chưa phù hợp, không tuân thủ đúng theo phác đồ do bác sỹ chỉ định.
Một số di chứng sau điều trị lao phổi mà người bệnh có thể gặp gồm: Tràn dịch và tràn khí màng phổi; xơ phổi; giãn phế quản; suy hô hấp mạn tính; ho ra máu; Viêm màng não;
Nhiễm nấm Aspergillus; sỏi phế quản (vôi hóa); bội nhiễm; sốc nhiễm trùng; phá hủy phổi trên diện rộng; lao nhiều bộ phận trong cơ thể; tâm phế mạn tính và các bệnh ác tính. Nghiên cứu cho thấy, bệnh lao phổi có liên quan đến việc làm gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi.
Di chứng sau khi điều trị lao phổi mà người bệnh có thể gặp phải là gì đã phần nào được giải đáp. Vậy cách điều trị bệnh lao phổi như thế nào?
Các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo, người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ là phương pháp điều trị lao phổi chính yếu.
Một số loại thuốc có thể được bác sỹ chỉ định dùng để chữa trị bệnh lao phổi như Pyrazinamit (PZA), Ethambutol (EMB), Rifampin (RIF), Isoniazid (INH),… Người bệnh có thể phải sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc hoặc dùng thuốc trong khoảng thời gian dài để đảm bảo điều trị hiệu quả, các vi khuẩn lao bị tiêu diệt.
Người bệnh không được tự ý giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc để tránh gặp tình trạng vi khuẩn lao kháng thuốc, phát triển mạnh hơn.
Khi đang điều trị lao phổi, người bệnh cần được nghỉ học, nghỉ làm trong khoảng vài tuần đến vài tháng đầu tiên (hoặc theo tư vấn của bác sỹ). Việc cách ly giúp hạn chế nguy cơ người bệnh lao phổi lây truyền vi khuẩn lao cho mọi người xung quanh.
Người bệnh lao phổi hoặc đang gặp di chứng sau khi điều trị lao phổi nên đến thăm khám, điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên môn về lĩnh vực này.
Trong và sau quá trình điều trị lao phổi, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng theo phác đồ chữa trị, chăm sóc, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống do bác sỹ chỉ định, tư vấn. Khi đã hoàn tất quá trình điều trị, người bệnh cần đến cơ sở y tế tái khám định kỳ hoặc thăm khám ngay khi gặp triệu chứng, dấu hiệu bất thường.
Chủ động áp dụng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể cũng là cách giúp phòng ngừa hoặc giảm di chứng sau khi điều trị lao phổi.
Người bệnh lao phổi nói chung và sau điều trị nói riêng cần áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên dùng nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, E, vitamin B phức hợp, protein, kẽm. Người bệnh cần tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc.
Đồng thời, nên thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất thông qua các bài tập nhẹ nhàng, giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ.
Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế tái khám đúng lịch hẹn, để bác sỹ có thể kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường (nếu có) và đề ra phương hướng xử trí phù hợp, hiệu quả.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/qua-nhieu-bien-chung-cua-benh-lao-phoi-phong-chong-cach-nao-d225561.html