Mua thuốc trên mạng, người phụ nữ 66 tuổi ở Nghệ An tiền mất tật mang

Mua thuốc trên mạng, người phụ nữ 66 tuổi ở Nghệ An tiền mất tật mang
4 giờ trướcBài gốc
Tiền mất tật mang
Sau khi đắp thuốc nam, khối u của bà H.T.T (66 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) ngày càng to chiếm gần hết vùng ngực trái, biến dạng sùi loét, chảy máu, dịch hôi thối làm cho sức khỏe của bệnh nhân gầy sút cân, ăn uống kém...
BS CKII Vũ Đình Giáp cùng ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bà T. cho biết, khối u xuất hiện cách đây 1 năm và được chẩn đoán là ung thư vú trái. Thời điểm đó, các bác sĩ tư vấn cho nhập viện nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bà xin ra viện và về nhà tìm hiểu rồi mua thuốc nam trên mạng về đắp vào viết thương để điều trị.
Quá trình đắp thuốc nam, bệnh tình không khỏi mà càng tiến triển. Khối u ngày càng to chiếm gần hết vùng ngực trái, biến dạng sùi loét, chảy máu, dịch hôi thối làm cho sức khỏe của bệnh nhân gầy sút cân, ăn uống kém... Sau khi bệnh tình trở nặng, người thân đưa bệnh nhân T. vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị.
BS CKII Vũ Đình Giáp, Trưởng Khoa Ngoại vú (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) cho biết, đơn vị tiếp nhận không ít bệnh nhân điều trị thuốc nam như bệnh nhân T. "Đây là hồi chuông cảnh báo cho các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân chủ quan, có quan niệm sai lầm về bệnh ung thư khi điều trị bằng thuốc nam. Việc mù quáng tin tưởng vào các phương pháp chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn làm giảm hiệu quả điều trị triệt để cũng như các tế bào ung thư sớm di căn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn", BS CKII Vũ Đình Giáp nói.
Theo BS CKII Vũ Đình Giáp, ung thư là loại bệnh ác tính nguy hiểm, vì vậy, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà bằng việc nấu các loại cây thuốc nam để uống, đắp mà chậm trễ trong việc điều trị trúng đích bằng các phương pháp tây y hiện đại. Hơn nữa, các biện pháp để điều trị ung thư chính thống đã được chứng minh là có hiệu quả như xạ trị, hóa chất, phẫu thuật. Việc điều trị ung thư phải tuân thủ theo phác đồ điều trị ở mỗi giai đoạn là vô cùng quan trọng. Khi dùng bất cứ loại thuốc nào, kể cả đông y hay tây y cần theo tư vấn của bác sỹ.
Không riêng gì trường hợp trên, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thông tin, đầu năm 2024, đơn vị vừa tiếp nhận nữ bệnh bệnh nhân K.T.S. (38 tuổi, trú tại xã Phà Đánh) bị suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.
Bệnh nhân S. nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.
Bệnh nhân S. nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi. Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc thể Stevens-Johnson, suy gan, suy tủy xương thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp.
Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đau khớp, viêm mũi và mua thuốc trên mạng để điều trị. Thuốc này được mọi người truyền tai nhau là tốt nên một số người dân trong làng đã nhập về bán số lượng lớn với giá 10.000 đồng/1 gói.
Các bác sĩ cảnh báo thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc theo truyền tai nhau, qua quảng cáo trên các trang mạng xã hội hoặc tự ý dùng thuốc không rõ xuất xứ gây ra những hệ lụy khôn lường.
Chính vì vậy, mọi người cần cảnh giác, không nghe theo quảng cáo, tự ý dùng thuốc tránh rước bệnh vào thân. Khi có bệnh phải tới các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Cảnh giác các thủ đoạn bán thuốc trên mạng
Công an Nghệ An có nhiều khuyến cáo về việc mua thuốc trên mạng cũng như thủ đoạn của các đối tượng này.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo này là hoạt động theo hội nhóm. Đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc "thần dược" với giá cao.
Thuốc bệnh nhân S. ở Kỳ Sơn mua để sử dụng dẫn đến các biến chứng.
Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Bên cạnh những đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn", sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.
Những loại thuốc này có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư… nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò "giảm giá" cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.
Trước thông tin trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc. Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng. Tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế. Tránh tình trạng "tiền mất, tật mạng".
Tình trạng ngập úng khi mưa lớn cũng là một trong những tiêu chí mới xác định giá đất tại Hà Nội
Vũ Đồng
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mua-thuoc-tren-mang-nguoi-phu-nu-66-tuoi-o-nghe-an-tien-mat-tat-mang-172240922094304203.htm