Quả ở miền Trung mọc chi chít thành buồng như cau, hạt ăn rất ngon

Quả ở miền Trung mọc chi chít thành buồng như cau, hạt ăn rất ngon
12 giờ trướcBài gốc
Ở Việt Nam, cây đác thường mọc tự nhiên trong các cánh rừng hoang vu, trũng thấp, phân bổ chủ yếu tại các tỉnh thành dọc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận…
Nhìn từ xa, cây có hình dáng giống như dừa, thốt nốt nhưng thân thấp hơn với tán lá xòe rộng. Mỗi cây có khoảng chục buồng sai trĩu quả.
Bên trong quả là hạt đác – phần được ví như đặc sản “trời ban” vì hương vị tươi ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Cây đác mọc tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Ảnh: Lê Thị Thủy
Chị Bùi Nhung (ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, khoảng từ tháng 3-8 dương lịch là thời điểm người dân các tỉnh miền Trung vào rừng thu hoạch đác.
Loại quả này được nhận xét là sạch, lành vì thường chỉ có trong tự nhiên chứ hiếm ai trồng. Nguyên nhân là bởi cây đác có thời gian sinh trưởng rất lâu, trung bình phải tốn khoảng 10 năm thì cây mới trưởng thành và cho quả.
Chưa kể, mỗi vụ quả lại cách nhau tới 2-3 năm, bà con phải chờ từng ấy thời gian mới có thể thu hoạch tiếp.
Quả đác bánh tẻ có kích cỡ 2-3 đầu ngón tay chụm lại. Ảnh: Lê Thị Thủy
Để lấy được hạt đác, người dân địa phương gặp không ít khó khăn, phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Đầu tiên, người ta lựa thu hoạch những buồng đác bánh tẻ (không non cũng không già), sau đó đem đốt lửa cho quả chín mềm lớp vỏ để làm tan nhựa, giảm vị chát rồi mới ép vỏ cho hạt trôi ra.
“Từng quả đác sau khi đốt qua lửa cho cháy sém lại sẽ được đem vạt (hoặc cắt) bỏ phần đầu, để lộ những hạt đác trắng ngà ở bên trong. Tiếp đến, quả được đặt vào chiếc kẹp gỗ chuyên dụng, rồi ấn mạnh cho hạt trôi tuột ra ngoài.
Vì vỏ của quả đác khá dày, lại cứng nên nếu tách hạt bằng tay sẽ tốn nhiều công sức và thời gian. Vì vậy, người địa phương chế tạo ra dụng cụ chuyên giải quyết công đoạn vất vả này”, chị Nhung nói.
Quá trình từ lúc thu hoạch đến lúc tách xong hạt đác đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỳ công. Ảnh: Lê Thị Thủy
Theo nữ tiểu thương có nhiều năm kinh nghiệm vào rừng thu hoạch hạt đác, trong suốt quá trình từ lúc chặt buồng đến khi thu hạt, người ta phải đeo găng tay, tránh để nhựa đác dính vào người vì loại nhựa này gây ngứa ngáy rất khó chịu.
Chưa kể, mỗi lần vào rừng thu hoạch đác, bà con phải đi theo nhóm 4-5 người, tốn cả ngày trời để xử lý các công đoạn. Người thì hái, người thì đốt, người thì kẹp quả để lấy hạt, hì hụi nhiều giờ đồng hồ mới xong.
Thoạt nhìn, hạt đác giống hạt gạo nhưng kích thước lớn hơn nhiều, cỡ bằng đầu ngón tay. Ảnh: Hồ Thị Sáu
Hạt đác có màu trắng đục, ăn dẻo mềm, không mùi, vị nhạt. Loại hạt này được tận dụng làm nguyên liệu cho các món ăn như mứt, chè… hoặc biến tấu thành thức uống giải nhiệt, giải khát như trà hoa quả, trà sữa.
Ngoài ra, hạt đác còn được đem rim dứa hay ngào đường, để thưởng thức như 1 thức quà vặt thơm ngon, hấp dẫn cả trẻ em lẫn người lớn.
“Hạt đác dễ sơ chế, chỉ cần rửa vài lần với nước rồi luộc cho hết nhựa là có thể sử dụng luôn, vị mềm dẻo, bùi ngon không kém dừa nước hay quả thốt nốt. Nếu muốn hạt có màu trắng và tươi sạch hơn, người ta có thể cho thêm chút muối và nước cốt chanh khi luộc”, chị Nhung chia sẻ.
Hạt đác được chế biến cùng một số nguyên liệu tạo màu quen thuộc như hoa đậu biếc, dứa, trà xanh..., giúp món ăn thêm hấp dẫn. Ảnh: Ngoc Tran
Hạt đác rim dứa là món ăn được yêu thích vì dễ chế biến, hương vị thơm ngon. Ảnh: Nhan Cao
Ngoài tiêu thụ trong vùng, hạt đác hiện cũng được vận chuyển tới khắp các tỉnh thành trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của thực khách.
Tùy từng nơi, từng thời điểm, hạt đác tươi được bán với giá từ 50.000-80.000 đồng/kg. Nếu hạt to, mẩy thì giá cao hơn. Loại hạt này có thể bảo quản trong tủ lạnh quanh năm, sử dụng dài ngày mà không làm giảm chất lượng.
Thảo Trinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/qua-o-mien-trung-moc-chi-chit-thanh-buong-nhu-cau-hat-an-rat-ngon-2398321.html