Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tham luận tại Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" diễn ra sáng 23/12, TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tác hại của lãng phí: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Người cho rằng, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; “lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội”. Do đó, Người nhấn mạnh nhiệm vụ chống lãng phí “quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”, bên cạnh tăng gia sản xuất thì phải “tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”.
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển. Ảnh: Cấn Dũng
TS. Nguyễn Xuân Trường chỉ ra, theo Khoản 2, Điều 3, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.
Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn thẳng thắn nhận diện, xác định tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lực công; xâm hại hoạt động đúng đắn của bộ máy Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; làm sai lệch công lý, công bằng xã hội; cản trở nỗ lực giảm ngèo và phát triển đất nước, xã hội; làm suy giảm niềm tin, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã nêu rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung ương trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên nên cần phải phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Đại hội IX của Đảng xác định: “Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với đấu tranh chống buôn lậu, lãng phí, quan liêu”. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay là “thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới”. “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương là tiếp tục tận dụng thời gian, thời cơ, lợi thế để tích lũy, gia tăng các tiềm lực quốc gia, chuẩn bị đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”.
TS. Nguyễn Xuân Trường thông tin thêm, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay là: “Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức. Lãng phí do hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung”.
Chung tay chống lãng phí, kiến tạo tương lai
TS. Nguyễn Xuân Trường chỉ ra, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận diện xu hướng phát triển của đất nước, khu vực và thế giới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí. Ở nước ta, công tác phòng, chống lãng phí đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương.
Công tác phòng, chống lãng phí dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng để đảm bảo khả năng quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia; bảo đảm sự tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình tổ chức công tác, biện pháp phòng, chống lãng phí. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân để phòng, chống lãng phí được kế thừa, vận dụng quan điểm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển. Ảnh: Cấn Dũng
Đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí tương đương với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Phòng, chống lãng phí phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phòng, chống lãng phí phải xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý lãng phí là quan trọng, cấp bách.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời người có hành vi lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống lãng phí. Trong công tác phòng, chống lãng phí phải xác định: không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn, chủ động hợp tác quốc tế và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Xuân Trường, thời gian qua, “xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo; chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí; việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức”. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí, góp phần tích lũy, gia tăng tiềm lực phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí. Đối tượng hướng đến của công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí gồm: cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; quần chúng nhân dân; tổ chức, đơn vị kinh tế tư nhân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các nội dung: hậu quả, tác hại của lãng phí; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống lãng phí đối với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí; nội dung phòng, chống lãng phí gắn với từng lĩnh vực cụ thể; cách thức thực hiện phòng, chống lãnh phí. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về công tác phòng, chống lãng phí, hình thành phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày””.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng, bổ sung thể chế về phòng, chống lãng phí, trong đó, quy định về hành vi lãng phí cần tập trung phòng, chống; trách nhiệm của ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí; phạm vi phòng, chống lãng phí; nội dung phòng, chống lãng phí; xử lý tổ chức, cá nhân gây lãng phí, thiệt hại cho Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Ban hành, thực hiện hướng dẫn nêu trên bảo đảm thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu bổ sung quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý hành vi lãng phí, đặc biệt là hành vi lãng phí gây thiệt hại, hậu quả lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước với Nhân dân, cộng đồng quốc tế. Các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định nội dung quy định, quy trình công tác còn hạn chế, thiếu sót, nghiên cứu kỹ, sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tránh rườm rà gây phiền hà, lãng phí.
Thứ ba, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi gây lãng phí lớn tài sản công. Đảm bảo mọi hành vi lãng phí đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Người có hành vi gây lãng phí giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, phải bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí. Ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục chỉ các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí, thống nhất xác định phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát, tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và quy định pháp luật liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực của đất nước, tránh lãng phí; “chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; “xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan””. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí, góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí ở địa phương, cơ sở.
Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược nhằm tích lũy, gia tăng tiềm lực quốc gia để chuẩn bị đưa đất nước vảo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm để hướng đến thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công dân cần phải rèn luyện, hành thành thói quen với tính kỷ luật cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, học tập, lao động hằng ngày.
Thanh Bình