Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm đã nhận được nhiều sự ủng hộ lớn từ nhiều thầy cô giáo và dư luận vì đã siết chặt quản lý lĩnh vực này trong bối cảnh dạy thêm và học thêm tràn lan, bào mòn thể lực học sinh, tiêu tốn quá nhiều tiền của phụ huynh.
Nhiều người cho rằng, nhà trường sẽ không còn là nơi để làm kinh tế và trả lại nguyên trạng môi trường giáo dục nơi đó thầy trò yêu thương nhau, cùng nhau phát triển, cùng nhau chia sẻ, hợp tác để nâng cao chất lượng dạy và học.
Những điểm tích cực trong Thông tư cấm dạy thêm, học thêm cần được sớm áp dụng vào thực tế (ảnh minh họa).
Không ít ý kiến bình luận về sự bất ngờ trong quan điểm dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT bởi trong dự thảo Thông tư Quy định Quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 8/2024 Bộ từng cho phép dạy thêm có thu tiền trong nhà trường và cũng cho phép giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa.
Cụ thể, tại Điều 4 của dự thảo quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định: Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Dự thảo Thông tư Quy định Quy định về dạy thêm, học thêm cũng cho phép giáo viên dạy học sinh chính khóa của mình khi dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo đó, dự thảo nêu: Giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau: Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).
Tuy nhiên, khi ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm thì những đề xuất trên đã bị gạt bỏ, “quay xe”180 độ.
Theo đó, Thông tư 29 quy định về dạy thêm trong nhà trường chỉ cho phép dạy 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, thông tư quy định, giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Có thể thấy, sự thay đổi quan điểm theo chiều hướng trên đã góp phần làm giảm tiêu cực trong dạy thêm. Trả lại môi trường giáo dục lành mạnh cho thầy và trò. Nhiều người bình luận, việc “quay xe” trong quan điểm dạy thêm của Bộ GD&ĐT là điều tích cực, nên làm để minh bạch hóa, lành mạnh hóa trường công.
Trinh Phúc