Quận Hà Đông chú trọng phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Quận Hà Đông chú trọng phát huy giá trị làng nghề truyền thống
19 giờ trướcBài gốc
Tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề
Trên địa bàn quận Hà Đông có 3 làng nghề truyền thống (dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo), là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Thủ đô Hà Nội (Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận) được xác định trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với trọng tâm là phát triển du lịch làng nghề truyền thống và các dịch vụ vui chơi giải trí.
Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Hà Đông tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật về Du lịch cho các cơ sở kinh doanh tại các làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo năm 2025.
Với quan điểm bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triền du lịch, tăng cường giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn; UBND quận Hà Đông đã tổ chức cho đại diện chính quyền và các hội làng nghề trên địa bàn quận tham gia xúc tiến du lịch hằng năm tại các địa phương trong cả nước hưởng ứng Năm du lịch quốc gia như: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam - Đà Nẵng, Điện Biên… nhằm hỗ trợ cho một số cơ sở làng nghề dệt lụa Vạn Phúc tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, UBND quận Hà Đông đã đề xuất và được Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội hỗ trợ triển khai xây dựng, chứng nhận, quản lý nhãn hiệu tập thể "Lụa Vạn Phúc" phường Vạn Phúc; “Rèn Đa Sỹ" phường Kiến Hưng; "Mộc Thượng Mạo" phường Phú Lương. Ngày 16-4-2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 44464/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hội làng nghề rèn Đa Sỹ. Hiện nay, UBND quận Hà Đông đang phối hợp triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng nghề mộc Thượng Mạo.
Quang cảnh hội nghị.
Ngoài ra, UBND quận cũng chi nguồn ngân sách gần 1 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua kế hoạch khuyến công hằng năm của quận, hoạt động hội chợ, quảng bá…
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBDN quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, Chương trình số 05-CTr/QU của Quận ủy Hà Đông có đề ra chương trình, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, quận đã thực hiện triển khai được 6/9 chương trình, dự án bao gồm: Đầu tư bảo tồn, giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích và phát huy giá trị của di tích; Chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tôn vinh thương hiệu các làng nghề truyền thống; Chương trình đào tạo thuyết minh viên tại điểm cho các làng nghề và di tích lịch sử - văn hóa, trước mắt tập trung cho làng nghề Vạn Phúc, làng nghề rèn Đa Sỹ và cụm di tích đình, chùa, bia bà La Khê.
Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông, các chương trình, dự án còn lại sẽ tiếp tục được rà soát đề xuất triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn quận Hà Đông; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nhân cấy nghề, truyền và dạy nghề, duy trì và đào tạo các nghệ nhân cho các làng nghề và Chương trình thực hiện số hóa hệ thống di tích trên địa bàn quận Hà Đông.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Nhìn chung, việc quan tâm đầu tư, quảng bá các làng nghề, di tích lịch sử trên địa bàn quận Hà Đông đã góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị của từng sản phẩm, loại hình làng nghề, khu di tích, qua đó góp phần thu hút ngày một nhiều lượt khách đến tham quan và chiêm bái.
Tuy nhiên, theo nhận định của Quận ủy Hà Đông, trong quá trình triển khai Chương trình số 05-CTr/QU của Quận ủy cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương còn chưa quyết liệt, việc chỉ đạo, định hướng còn chưa cụ thể; cơ chế chính sách áp dụng cho làng nghề truyền thống còn thiếu và chưa phù hợp; việc duy trì nghề còn chưa chú trọng đến việc bảo tồn làng nghề, tạo ra các sản phẩm đặc thù, có tính ứng dụng, công nghệ cao, kết hợp gắn với phát triển du lịch; chưa coi đây là loại hình kinh doanh chính và lâu dài, bền vững cho các làng nghề khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh mẽ, tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt. Việc này đòi hỏi cần phải có sự ủng hộ, vào cuộc hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ quận tới cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể quận và đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng lòng của nhân dân các địa phương trên địa bàn quận.
Để phát huy giá trị cả về kinh tế, lịch sử, UBND quận Hà Đông đã đề nghị UBND thành phố sớm hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc. Đồng thời, đề nghị thành phố cần ban hành quy định mức chi phí đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn; sớm chỉ đạo, hướng dẫn UBND quận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án cụm công nghiệp Đa Sỹ, làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác.
Bảo Vy
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/quan-ha-dong-chu-trong-phat-huy-gia-tri-lang-nghe-truyen-thong-697706.html