Ngày 22/5, chính quyền Tổng thống Trump ra quyết định thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, với lý do trường này dung dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái và phối hợp với chính quyền Trung Quốc. Trong tổng số sinh viên của trường năm 2024, sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 1/5.
Đại học Harvard. (Ảnh: AP)
Ngày 23/5, một thẩm phán liên bang tạm thời đình chỉ lệnh cấm sau khi Đại học Harvard khởi kiện chính phủ tại tòa án ở Cambridge, bang Massachusetts.
Những lo ngại về ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc ở Đại học Harvard không phải chuyện mới. Một số nghị sĩ Mỹ, chủ yếu thuộc Cộng hòa, từ lâu đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang lợi dụng Đại học Harvard để tiếp cận công nghệ tiên tiến, lách các đạo luật an ninh quốc gia của Mỹ và dập những tiếng nói bất lợi cho Bắc Kinh tại Mỹ.
“Một thời gian dài, Harvard đã để Trung Quốc lợi dụng”, một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters. Quan chức này nói rằng trường đã “làm ngơ” trước các hoạt động có lợi cho Trung Quốc ngay trong khuôn viên trường.
Đại học Harvard chưa đưa ra bình luận về cáo buộc đó.
Trường cho rằng việc thu hồi quyền tuyển sinh quốc tế là một hình thức trừng phạt vì “quan điểm bị cho là sai lệch” của trường, vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Quan hệ của ĐH Harvard với Trung Quốc – bao gồm các đối tác nghiên cứu và trung tâm học thuật chuyên về Trung Quốc – đã được thiết lập từ lâu. Những mối quan hệ này từng mang lại cho trường nhiều khoản tài trợ lớn, ảnh hưởng quốc tế và danh tiếng toàn cầu.
Ông Larry Summers, cựu Hiệu trưởng ĐH Harvard, cho rằng động thái cấm sinh viên quốc tế của chính quyền Tổng thống Trump là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất từ trước tới nay nhằm vào Harvard. “Thật khó tưởng tượng có thể có món quà chiến lược nào lớn hơn cho Trung Quốc nếu Mỹ từ bỏ vai trò ngọn hải đăng của thế giới”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Politico.
Những vấn đề tranh cãi
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: “Trao đổi và hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ là có lợi cho cả hai bên và không nên bị bôi nhọ”.
Việc có sinh viên Trung Quốc tại ĐH Harvard và mối quan hệ của trường với Trung Quốc không phải là bằng chứng cho thấy có sai phạm. Tuy nhiên, sự phức tạp và thiếu minh bạch trong các mối quan hệ này đã khiến trường bị chú ý và chỉ trích.
Những vấn đề liên quan đến Trung Quốc được chính quyền Tổng thống Trump nêu ra tương tự những gì Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đang điều tra.
Ví dụ, sau năm 2020, ĐH Harvard đã cung cấp chương trình đào tạo về y tế công cộng cho các quan chức của Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức bán quân sự của Trung Quốc. Năm đó, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt XPCC vì những vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác tại Tân Cương.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết hoạt động hợp tác của ĐH Harvard với XPCC vẫn tiếp diễn “ít nhất đến năm 2024”.
Trung Quốc kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc sai phạm tại Tân Cương, nhưng cả chính quyền Tổng thống Trump và cựu Tổng thống Biden đều chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề này.
Trong một sự việc khác gây tranh cãi, hãng nghiên cứu tình báo kinh doanh Strategy Risks của Mỹ cho biết Ronnie Chan đã tài trợ khoản 350 triệu USD cho Harvard trong năm 2014 và đã thuyết phục để đại học này đổi tên Trường Y tế cộng đồng theo tên cha ông là nhà phát triển bất động sản T.H. Chan. T.H. Chan là thành viên của Quỹ Giao lưu Trung – Mỹ.
Quỹ này có trụ sở tại Hong Kong, bị Mỹ xếp vào danh sách “đại diện nước ngoài”, buộc những người vận động hành lang làm việc cho tổ chức này phải công khai thông tin với Chính phủ Mỹ.
Cựu giáo sư Harvard Charles Lieber từng là đối tượng điều tra của chương trình “Sáng kiến Trung Quốc” do chính quyền ông Trump khởi xướng năm 2018, nhằm đối phó với các hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ trong nhiều trường đại học và các nhà nghiên cứu có mối quan hệ với Bắc Kinh.
GS Lieber bị kết tội năm 2021 vì khai man mối quan hệ của ông với Trung Quốc trong các dự án nghiên cứu được ngân sách liên bang tài trợ. Tháng 4 vừa qua, ông trở thành giáo sư toàn thời gian làm việc cho một trường đại học ở Trung Quốc.
Sáng kiến này bị chấm dứt dưới thời chính quyền ông Biden vì bị chỉ trích phân biệt chủng tộc và ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác khoa học.
Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng tại Mỹ cũng lo ngại về việc các hội sinh viên có liên hệ với Trung Quốc tham gia hoạt động chính trị. Tháng 4/2024, một sinh viên của ĐH Harvard đã bị một sinh viên trao đổi người Trung Quốc (không phải nhân viên trường hay bảo vệ) cưỡng chế rời khỏi sự kiện sau khi ngắt lời bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong.
Áp lực lên ĐH Harvard ngày càng gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục Mỹ yêu cầu trường cung cấp hồ sơ về nguồn tài trợ nước ngoài sau khi phát hiện báo cáo tài chính của trường không đầy đủ và thiếu chính xác.
Tuy nhiên, các hành động của chính quyền Tổng thống Trump vẫn khiến nhiều chuyên gia về Trung Quốc lo ngại về nguy cơ phản tác dụng.
Thu loan
Theo Reuters, AP