Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran trong bối cảnh mới
Ngày 17/1, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ tới thăm Moscow và hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo Đại sứ Iran tại Nga, Kazem Jalali cho biết, trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước có kế hoạch ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran. Thực tế thỏa thuận này đã sẵn sàng được ký kết vào giữa tháng 11 năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại do tai nạn của Tổng thống Ebrahim Raisi.
Đầu tháng 12/2024, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố rằng Nga và Iran “không có ý định trì hoãn việc ký kết thỏa thuận”. Theo Bộ Ngoại giao Nga, thỏa thuận này sẽ tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh.
Đại sứ Kazem Jalali tiết lộ, thỏa thuận mới sẽ bao gồm 47 điểm, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương. Theo nhà ngoại giao Iran, khi soạn thảo văn bản này, trọng tâm mà hai nước hướng đến chính là “sự cân bằng, nguyên tắc chủ quyền và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”. Không chỉ nhấn mạnh hợp tác chính trị, kinh tế giữa Nga và Iran, các sáng kiến khu vực cũng như các nỗ lực song phương và đa phương, thỏa thuận còn đặc biệt chú ý tới lĩnh vực hợp tác năng lượng. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án kinh tế quan trọng, như Hành lang giao thông Bắc-Nam, vẫn được xem là ưu tiên chiến lược của cả hai nước.
Tờ Tehran Times nhấn mạnh, Nga và Iran “quan tâm đến việc củng cố liên minh để đối mặt với những thách thức chung”, đặc biệt trong bối cảnh sức ép từ phương Tây đối với cả hai nước ngày càng lớn, cũng như những bất ổn chính trị phức tạp ở Trung Đông và Đông Âu.
Truyền thông Iran nhận định, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran, được thúc đẩy bởi mối quan tâm chung trong việc chống lại sức ép từ phương Tây, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược, như khu vực Caspi, qua đó củng cố thêm mối quan hệ giữa hai nước. Sự hội tụ chiến lược về lợi ích và lập trường này đã góp phần thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau trong một số lĩnh vực, điển hình như trong vấn đề Syria.
Hiện nay, Iran trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga sau Ấn Độ và Trung Quốc. Iran là thị trường hấp dẫn, tiềm năng đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga; và thực tế Nga cũng đang đóng vai trò cầu nối tích cực nhằm phát triển sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Tehran và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Đối với Iran, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga tạo cơ hội để Iran khẳng định vị thế là một trong những tuyến trung chuyển hàng hóa và dịch vụ chính giữa Nga, EAEU với Nam Á, điển hình như Ấn Độ. Hơn nữa, hợp tác với các công ty năng lượng Nga, phần nào là với các đối tác Trung Quốc sẽ giúp Tehran phát triển ngành năng lượng của mình. Điều này là vấn đề đặc biệt cấp bách khi Iran, mặc dù là quốc gia có trữ lượng dầu khí hàng đầu thế giới, nhưng vẫn đang đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng khó khăn.
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và việc ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran diễn ra ngay trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là động thái mang tính biểu tượng sâu sắc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời siết chặt các gói trừng phạt đối với Iran. Nhiều ý kiến cho rằng, khi trở lại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Iran. Thậm chí, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nghiêm túc cân nhắc khả năng tấn công phủ đầu Iran nhằm “ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo này phát triển vũ khí hạt nhân”.
Động lực thúc đẩy Nga-Iran xích lại gần nhau
Theo nhà nghiên cứu phương Đông Andrey Ontikov, một mặt, việc ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Iran có vẻ khá tự nhiên, xét đến lợi ích mà thỏa thuận mang lại cho cả hai nước, cũng như lập trường của Iran về cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây tăng cường bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao, thì những hành động này của Iran rõ ràng là thể hiện sự ủng hộ Nga. Ngoài ra, yếu tố địa chính trị cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran. Hiệp ước này, cộng với sự xích lại gần nhau giữa Iran và Trung Quốc sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền nhằm hình thành mối liên kết chặt chẽ Iran-Nga-Trung Quốc và có thể là sự tham gia của cả Triều Tiên.
Mặt khác, câu hỏi đặt ra là Nga có thể thực hiện các điều khoản của hiệp ước này ở mức độ như thế nào. Ở một số trường hợp, một số điểm có thể nói hiệp ước đặt Nga vào tình thế khó xử. Trước hết, Iran đã bị suy yếu đáng kể khi các lực lượng trong “Trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt ở Trung Đông, như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon đang phải chịu sức ép quân sự rất lớn từ Israel hay sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump, người sẽ sớm trở lại Nhà Trắng, là người có tư tưởng cực kỳ cứng rắn với Iran. Bên cạnh đó, những tuyên bố của Azerbaijan đối với Armenia liên quan đến hành lang Zangezur cũng gây ra một số lo ngại. Rõ ràng, nếu tình hình chống Iran tiếp tục phát triển ở Kavkaz, Trung Đông và nếu các hành động chống lại Iran mạnh mẽ hơn từ Chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì vấn đề có thể phát sinh đối với Nga với tư cách là bên ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Iran.
Tuy nhiên, Ivan Glukhov, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu liên ngành Viện Thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định, nếu bỏ qua những nhược điểm trên, rõ ràng Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran là một thông điệp gửi tới người Mỹ, đặc biệt là chính quyền sắp tới, rằng Nga-Iran không hề ảo tưởng về những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Với những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên, gần như chắc chắc ông Trump sẽ thúc đẩy chính sách cứng rắn hơn với Iran. Trong khi đó, những tuyên bố, cam kết giải quyết sớm vấn đề Ukraine ở giai đoạn này vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố suông, khi ông Trump và ê-kíp của mình chưa xây dựng được lộ trình, cũng như các điều kiện cụ thể, chi tiết để đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Với Iran, Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Nga là một thắng lợi ngoại giao lớn của Tổng thống Masoud Pezeshkian. Điều này được thể hiện qua một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, thỏa thuận này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học-giáo dục, tương tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, khí đốt, cũng như triển khai các dự án hậu cần chiến lược chung.
Thứ hai, những thất bại trong chính sách đối ngoại thời gian qua, cùng với sự mệt mỏi của người dân vì tình hình bất ổn kinh tế-xã hội và áp lực trừng phạt, đã tạo nên một tình hình cực kỳ căng thẳng ở Iran. Do đó, điều quan trọng đối với giới lãnh đạo Iran là ổn định vị thế của mình và tăng cường quan hệ với các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ thực sự trong trường hợp khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
Thứ ba, sự suy yếu của “Trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt ở dải Gaza, Lebanon và Syria đã tác động tiêu cực đến vị thế của Iran ở Đông Địa Trung Hải. Điều này có thể khiến các đối thủ chính trị của Iran tin rằng, thời điểm thích hợp đã đến để tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo, chủ yếu nhằm mục đích làm mất ổn định tình hình chính trị trong nước tại Iran. Trong bối cảnh đó, mở rộng hợp tác chặt chẽ với Moscow có thể giúp Tehran có được “chiếc ô an ninh” vững chắc.
Thứ tư, đứng trước nguy cơ tiếp tục bị Chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt bao vây cấm vận, thậm chí là phối hợp với các đồng minh ở khu vực, như Israel để tấn công làm tiêu hao lực lượng của Iran, Tổng thống Masoud Pezeshkian hiểu rằng, không có một đối tác nào phù hợp hơn Nga có thể giúp Tehran đối phó với những khó khăn, thách thức trên. Không chỉ bởi tiềm lực quân sự mạnh mẽ, vị thế chính trị, mà Nga cũng đang bị Mỹ xem là “đối thủ chính trị hàng đầu”. Trong bối cảnh đều đối mặt với những khó khăn, thách thức, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran đúng là “khi hoạn nạn có nhau”!
Hùng Anh (CTV)