Quan hệ tín dụng: Người đi vay luôn ở 'cửa' dưới?

Quan hệ tín dụng: Người đi vay luôn ở 'cửa' dưới?
4 giờ trướcBài gốc
Bất bình đẳng
Tìm ra căn nguyên của nợ xấu và vai trò cụ thể của từng bên nhằm giảm nợ xấu là nội dung được thảo luận sôi nổi nhất tại hội thảo “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 27/5, tại TPHCM.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - chủ trì hội thảo “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” vào sáng 27/5, tại TPHCM.
Theo đó, tính đến tháng 5, dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng - tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng 20%. Nếu tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng đúng mục tiêu 16% trong năm, tổng dư nợ bất động sản có thể đạt 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm cho bên đi vay trước việc tỷ lệ nợ xấu gia tăng những năm vừa qua. Trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước lý giải, nguyên nhân gây ra nợ xấu là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, dịch COVID-19, biến động địa chính trị, rủi ro thuế quan là những khó khăn chung của nền kinh tế không ai lường trước được, nhưng chúng ta đang nhìn thấy bức tranh mất cân đối, khi bên cho vay luôn có lãi, trong khi doanh nghiệp đi vay thì “chết ngắc” vì không có tiền trả và bị xử lý tài sản”.
Tại hội thảo, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn yếu thế trong quá trình làm việc với ngân hàng. Bước đầu tiên khi tiếp cận vay vốn là doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ tài sản đảm bảo và ngân hàng tiến hành thẩm định giá. Quá trình này hầu như là ngân hàng thực hiện hoặc nếu thuê bên thứ ba thực hiện thì ngân hàng cũng là bên có quyền can thiệp nhiều nhất.
Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM) - phát biểu tại hội thảo.
Đến bước thứ hai, sau khi phương án vay được duyệt và ký hợp đồng thì hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp cũng do ngân hàng soạn. Và hợp đồng thế chấp bao giờ cũng kèm với thỏa thuận ủy quyền, cho phép ngân hàng được quyền xử lý tài sản trong trường hợp nợ thành nợ xấu. Như vậy ngay từ lúc người đi vay chấp nhận ký hợp đồng tín dụng là đã phải chấp nhận từ bỏ các quyền bảo vệ mình thì mới được vay.
Tiếp theo, trong quá trình giải ngân, ngân hàng có quyền dừng giải ngân nếu doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, trong đó rất nhiều điều kiện không nằm trong quyền quyết định của ngân hàng. Đơn cử như việc cho vay dự án bất động sản theo tiến độ pháp lý dự án những năm vừa qua các khâu pháp lý dự án đều bị gián đoạn do điều chỉnh luật hoặc cán bộ nhà nước bị điều tra, bắt bớ.
Những rủi ro này là khách quan nhưng việc đứt gãy dòng tiền đột ngột sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, doanh nghiệp, từ đó phát sinh nợ xấu. Nếu đây là một mối quan hệ bình đẳng thì doanh nghiệp có quyền kiện ngân hàng để bồi thường nhưng từ trước đến nay chưa từng có doanh nghiệp nào dám kiện ngân hàng về vấn đề này.
Cuối cùng, trong trường hợp xấu nhất là xảy ra nợ xấu và phải xử lý tài sản đảm bảo thì ngân hàng là người quyết định về giá bán, thời điểm bán vì ngay từ lúc đầu, khi ký hợp đồng, người đi vay đã ủy quyền hết cho ngân hàng rồi. Trên thực tế quá trình này đã nảy sinh nhiều vấn đề bất lợi cho người đi vay về giá bán không phản ánh đúng giá trị thị trường.
“Tài sản doanh nghiệp đem thế chấp có giá thị trường 10 đồng, ngân hàng thẩm định giá tối đa chỉ 6 đồng, giá trị cho vay chỉ khoảng 60% - tức chỉ vay được khoảng 3,6 đồng. Giả sử vài năm sau doanh nghiệp không trả được nợ, gốc và lãi cộng dồn có thể lên đến 10 đồng thì ngân hàng phát mãi và thu toàn bộ tài sản. Chưa kể theo thời gian giá trị tài sản là bất động sản còn tăng cao, nhưng thực tế hiếm có tài sản nào do ngân hàng phát mãi được bán bằng giá thị trường”, vị đại diện doanh nghiệp nói
Tìm giải pháp hài hòa
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhìn nhận, tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính và sức khỏe doanh nghiệp. Nếu không có giải pháp tổng thể và mang tính đột phá, hàng loạt dự án dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, kéo theo hệ lụy dây chuyền đến ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nhìn nhận, tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp.
“Chúng tôi ủng hộ việc các bên cùng chung tay giảm nợ xấu, nhưng cũng rất băn khoản vì theo dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang được thảo luận, điều kiện thứ nhất để các tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản là thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp. Thực tế hiện nay khi ký hợp đồng thế chấp là ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp ký thỏa thuận ủy quyền toàn phần cho ngân hàng được quyền xử lý tài sản nếu trong trả được nợ. Điều này là không hợp lý. Vì vậy, chúng tôi đề xuất thỏa thuận này nên được xác lập lúc đã phát sinh nợ xấu và 2 bên cùng ngồi lại giải quyết”, ông Châu nói.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Trung Phát cho rằng hiện nay tất cả các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đều được ký kết theo mẫu của ngân hàng dài vài chục trang với rất nhiều điều khoản rườm rà, phức tạp mà người đi vay không thể hiểu rõ hết cũng như không lường hết được các rủi ro khi đặt bút ký kết.
“Do đó, tôi đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành một mẫu hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp áp dụng chung cho toàn hệ thống ngân hàng, tương tự như mẫu hợp đồng chuyển nhượng bất động sản vừa được ban hành kèm theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bất động sản 2023”, ông Phát nói.
Bàn về vấn đề liệu việc gia tăng quyền thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng là giải pháp dài hạn hay chỉ là giải pháp tình thế trong xử lý nợ xấu, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp cứu cánh khi xảy ra tình huống không mong muốn cho cả bên đi vay và bên cho vay, nên cần phải tìm ra nguồn gốc của nợ xấu để giải quyết một cách triệt để.
Hiện nay tất cả các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đều được ký kết theo mẫu của ngân hàng.
Biện pháp lý tưởng là cần tối thiểu hóa nợ xấu, nghĩa là vẫn phải chấp nhận nợ xấu nhưng sẽ giới hạn ở một tỷ lệ rủi ro nhất định, và vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Nhà nước cần quản lý được nền kinh tế vĩ mô, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp bằng công cụ, chính sách, pháp lý, tiền tệ…
“Khi Nhà nước đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển lành mạnh thì cũng giảm thiểu được tình trạng nợ xấu. Đây cũng chính là những hành động thiết thực nhất theo tinh thần Nghị quyết 68”, ông Tuấn nói.
Một đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo rằng, không nên sửa đổi luật để giải quyết một vấn đề ngắn hạn. Vị này kiến nghị Quốc hội có thể xem xét ban hành một nghị quyết riêng cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo và áp dụng trong ngắn hạn, thay thế cho Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực.
Duy Quang
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/quan-he-tin-dung-nguoi-di-vay-luon-o-cua-duoi-post1746090.tpo