Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, giải trình dự án 1 luật sửa 4 luật chiều 6/11.
Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật về đầu tư).
Phần lớn các ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp cho nội dung điều chỉnh quy hoạch, phân cấp phân quyền cho địa phương trong thực hiện dự án đầu tư, mở rộng phạm vi hợp đồng BT nhưng tăng giám sát, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến quy định hiện hành về đấu thầu...
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tiếp thu giải trình các ý kiến đối với Luật Quy hoạch, Bộ trưởng ghi nhận, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh cục bộ theo quy trình rút gọn. Việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo như tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp; đồng thời xác định rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển.
Đối với việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch đối với các ngành kỹ thuật quốc gia như khoáng sản hay điện lực, Bộ trưởng cho rằng, điện lực và khoáng sản thuộc phạm vi các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Khi lập quy hoạch, chúng ta chưa thể xác định rõ được các dự án này, nếu đưa các quy định cứng vào trong các quy hoạch thì sau này có sự thay đổi bất kỳ, chúng ta cũng phải sửa lại Luật Quy hoạch.
"Chúng tôi đề nghị các dự án đối với các ngành chỉ là danh mục dự kiến, trong quá trình làm có điều kiện nào đó thì chúng ta được phép điều chỉnh, nếu cứng nhắc thì mỗi một lần thay đổi là chúng ta phải sửa luật.
Đối với các luật kỹ thuật chuyên ngành như thế này, nếu thấy có tính đặc thù riêng, cần phải có một quy định riêng thì chúng tôi đề nghị là quy định ở trong luật chuyên ngành và được điều chỉnh theo quy hoạch chuyên ngành, không đưa vào trong Luật Quy hoạch bởi vì Luật Quy hoạch là định hướng chung", ông Dũng nói.
Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 6/11 về dự án 1 luật sửa 4 luật về đầu tư
Đối với Luật Đầu tư, Bộ trưởng nói rằng có một việc hết sức quan trọng, lần này chúng ta thiết kế "luồng xanh", một chương trình đặc biệt về thu hút vốn đầu tư.
Nêu ví dụ Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD chỉ mất 5 năm..., Bộ trưởng đặt câu hỏi tại sao người ta lại làm được như vậy?
Lý do vì vua Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế có hai điều mà chúng ta cả nghiên cứu phải mất hàng năm mới ra được nhiệm vụ thiết kế.
"Ông ấy chỉ ra 2 điều quy định: Một, không nhà nào giống nhà nào; Hai, từ điểm này đến điểm kia không phải là một đường thẳng; mọi vấn đề khác cứ theo quy định mà làm và tự chịu trách nhiệm, không cần phải xin phép ai, không cần bàn gì.
Sau đó, người ta làm xong thiết kế thì làm các sa bàn, các mô hình và ông vua chỉ duyệt đúng 2 tiếng đồng hồ là xong. Tức là người ta đã biết người ta cần quản lý gì và quản lý bằng công cụ nào, phương thức nào. Đó chính là hậu kiểm, chính là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước. Cách làm như vậy sẽ rút ngắn được thời gian và thu hút được đầu tư", ông Dũng nói.
Xuất phát từ kinh nghiệm của thế giới, Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo đã thiết kế đối với những dự án công nghệ cao nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư (trong vòng 15 ngày) chứ không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cấp xong rồi anh cam kết thực hiện ba vấn đề xây dựng, đánh giá tác động môi trường phòng cháy và chữa cháy theo quy định và cứ thế là làm. "Sau này nếu có vi phạm, tôi hậu kiểm thì anh phải chịu trách nhiệm. Lần này chúng ta sẽ làm mạnh như thế và chúng tôi còn muốn mạnh nữa", Bộ trưởng cho hay.
Đối với Đà Nẵng, ông Dũng cho biết đã thống nhất là sẽ bổ sung, làm rõ hơn khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung để xem đây là một đối tượng để áp dụng trường hợp đặc biệt.
Về Luật PPP, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, chúng ta quay lại BT (Xây dựng - Chuyển giao) bằng đất và BT bằng tiền, bản chất trước đây chúng ta đã cho nhưng sau đó dừng và bây giờ Quốc hội đã cho 3 tỉnh thực hiện.
Với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, chúng tôi xin phép khôi phục lại nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch.
Theo đó, chúng ta phải xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá. Sau này nếu giá đất lên thì định giá lại, mà nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì nhà nước trả lại bằng tiền cho người ta.
Chúng tôi đang thiết kế một cơ chế vẫn có thể thực hiện được như thế này chứ không phải chỉ bằng tiền, nếu đấu giá được bằng tiền thì tốt nhưng có những trường hợp không phải bằng tiền mà bằng đất để còn có công trình trên đất nữa.
Về BT chuyển tiếp, Bộ trưởng cho rằng đây là một vấn đề rất phức tạp. Hiện nay sơ bộ thống kê tổng hợp thì đã có 160 dự án BT chuyển tiếp, khoảng 59.000 tỷ, nhưng thực chất còn nhiều hơn thế rất nhiều ở các địa phương.
Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, bao gồm Phó Thủ tướng Thường trực làm Trưởng Ban và trong đó có cả các ngành công an, tòa án, kiểm sát, tất cả các cơ quan nội chính cùng tham gia.
"Chúng tôi đã báo cáo và xin phép Quốc hội cho một nghị quyết riêng để chúng ta xử lý đối với chủ trương, đối với từng trường hợp và không đưa vào luật lần này", ông Dũng nói.
Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng đồng ý với các đại biểu là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng.
"Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp. Riêng về đấu thầu thuốc, tôi cơ bản đồng tình với đại biểu là chúng ta nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, đấu thầu hay không do người ta tự quyết", ông Dũng nhấn mạnh.
Minh Minh