Quản lý chặt hoạt động gây nuôi động vật hoang dã

Quản lý chặt hoạt động gây nuôi động vật hoang dã
8 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 140 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với tổng số gần 15.000 cá thể. Trong đó, có đến trên 11.000 cá thể là động vật thuộc nhóm quý hiếm. So với năm 2020, số cơ sở gây nuôi tăng gần 80 cơ sở.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, các cơ sở trên đã và đang góp phần tạo thu nhập cho các gia đình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với số lượng ngày càng tăng, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dễ xuất hiện hành vi đưa các cá thể động vật hoang dã, thuộc loài nguy cấp từ tự nhiên vào nuôi, kinh doanh để thu lợi bất chính. Điều này còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cũng như công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Lực lượng kiểm lâm thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng thả cá thể động vật hoang dã về tự nhiên
Xuất phát từ thực tế trên, để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật về gây nuôi động vật hoang dã, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở theo định kỳ. Bên cạnh đó, chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố chủ động nắm bắt nguồn tin phản ánh và kiểm tra đột xuất nếu các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Là địa bàn có số lượng cơ sở gây nuôi lớn, hiện nay thành phố Lạng Sơn có 19 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với hơn 5.000 cá thể là các loài như: khỉ đuôi dài, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi nâu. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 50 lượt tại các cơ sở, đạt 63% kế hoạch năm.
Ông Nông Trường Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lạng Sơn cho biết: So với thời điểm năm 2020, số lượng cơ sở gây nuôi trên địa bàn thành phố tăng gấp 2 lần. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết trong công tác quản lý để tránh các vi phạm có thể xảy ra. Do vậy, hằng năm, dựa trên kế hoạch chung của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ 1 lần/quý đối với mỗi cơ sở. Trong đó, đơn vị thực hiện đối chiếu danh sách, số lượng các loài nuôi của cơ sở so với đăng ký xin gây nuôi. Đồng thời, kiểm tra sổ ghi chép về việc xuất, nhập chuồng đối với các cá thể động vật hoang dã, đảm bảo mỗi cá thể đều có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng.
Ngoài thành phố Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm các huyện đã tiến hành trên 300 lượt kiểm tra đối với các cơ sở về thực hiện quy định của pháp luật về gây nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại (tăng 62 lượt so với cả năm 2023). Qua kiểm tra, không có trường hợp vi phạm các quy định trong hoạt động gây nuôi.
Bên cạnh công tác kiểm tra, trong 9 tháng đầu năm 2024, hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã tuyên truyền đến 100% chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động gây nuôi động vật hoang dã.
Ông Hoàng Đức Dũng, Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Cao Lộc (phụ trách công tác quản lý các cơ sở gây nuôi) cho biết: Toàn huyện hiện có 8 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với hơn 400 cá thể động vật. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn, tuyên truyền tại các xã, thị trấn và 10 cuộc tại các thôn trong huyện cho 100% chủ cơ sở.
Từ sự tuyên truyền tích cực của lực lượng kiểm lâm các huyện, thành phố, các chủ cơ sở đều chủ động thực hiện các hồ sơ, thủ tục đủ điều kiện gây nuôi theo quy định, đồng thời chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt.
Ông Đinh Bá Sơn, chủ cơ sở gây nuôi cầy vòi tại thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, tôi đều được Hạt Kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Trong quá trình gây nuôi, tôi luôn ghi chép đầy đủ các thông tin vào sổ theo dõi hoạt động nuôi cũng như lưu trữ các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên trao đổi với lực lượng kiểm lâm khi có các thắc mắc liên quan đến quy định về gây nuôi để được hướng dẫn kịp thời, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, toàn bộ 140 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều đảm bảo về danh mục loài nuôi, nguồn gốc cá thể. Đồng thời, 100% chủ cơ sở đều đã ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về gây nuôi động vật hoang dã như: không săn bắt, giết mổ, buôn bán, nuôi nhốt và sử dụng trái phép các sản phẩm từ động vật rừng; chỉ gây nuôi các loài động vật được Nhà nước cho phép...
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh không có cơ sở nào vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Điều này cho thấy, công tác quản lý hoạt động của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn đã và đang được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
GIA KHÁNH
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/quan-ly-chat-hoat-dong-gay-nuoi-dong-vat-hoang-da-5025945.html