Theo dự thảo đề án, các tuyến phố được cấp phép khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm phải có hè phố rộng tối thiểu 3m; riêng trong khu phố cổ thì cho phép các phố có hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được Ủy ban nhân dân quận cấp phép.
Sau khi khảo sát hiện trạng 273 tuyến phố trên địa bàn thành phố, dự thảo Ðề án đã đề xuất chín mô hình và sơ đồ hóa hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, trông giữ phương tiện giao thông…
Quản lý và khai thác hè phố trên địa bàn Hà Nội là vấn đề nan giải. Hè phố bị lấn chiếm để bày bán hàng, để phương tiện lộn xộn, khiến người đi bộ không thể lưu thông là khá phổ biến ở Thủ đô, nhất là tại các tuyến phố nội thành kinh doanh sầm uất.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã năm lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng chỉ sau khi ra quân một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn, thậm chí có khi mức độ còn nghiêm trọng hơn. Ðiều đáng nói là hầu hết các hành vi lấn chiếm diện tích hè phố để kinh doanh, trông giữ phương tiện đều là hành vi tự phát, lợi nhuận đều chảy vào túi tư nhân, còn Nhà nước không thu được gì.
Thành ủy Hà Nội khóa 17 nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Chương trình số 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Với việc xây dựng và thực hiện Ðề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền thành phố kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập bấy lâu nay trong lĩnh vực này.
Hiện nay, trên cơ sở dự thảo Ðề án, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ tiêu chí cơ chế quản lý để triển khai tới từng phường và công khai tới nhân dân. Quận sẽ áp dụng công nghệ số vào việc cấp phép, thu phí điện tử; xác định diện tích sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ cho từng tuyến phố và công khai rộng rãi đến người dân. Trước mắt, quận sẽ thí điểm 6 tháng tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Ðạo sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai rộng trong quận.
Chủ trương tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vừa để lập lại trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế đô thị của thành phố là rất đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cần bài bản, căn cơ, bảo đảm công khai, minh bạch; trong đó, chú trọng công tác kiểm tra giám sát để phòng tránh tiêu cực, lãng phí; ứng dụng công nghệ để quản lý thu phí bảo đảm không thất thoát, không tiêu cực, lãng phí, đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nhất là cần tránh tình trạng làm theo phong trào, chỉ rầm rộ lúc mới ra quân, sau đó lộn xộn trở lại.
VIỆT ANH