Quản lý tài sản mã hóa, hướng nguồn lực phát triển kinh tế trong nước

Quản lý tài sản mã hóa, hướng nguồn lực phát triển kinh tế trong nước
3 ngày trướcBài gốc
Hiện Việt Nam đứng trước cơ hội gì nếu quản lý được giao dịch tài sản mã hóa, thưa ông?
Nhà đầu tư từ trước đến nay khá là quen thuộc với các kênh đầu tư như cổ phiếu, vàng, bất động sản… Những kênh này đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong quá trình đó, các dạng tài sản từ kênh này đều có những biến động nhất định.
Trong khi đó, tài sản mã hóa hiện đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Hiện tại, ở những thị trường tài chính phát triển như Mỹ, họ đã nghiên cứu và hình thành các quỹ ETF về các loại tiền mã hóa. Các cơ quan quản lý có nhiệm vụ tạo một kênh đầu tư vào tài sản số, tài sản mã hóa thông qua những phương tiện có thể kiểm soát được. Điều này giúp nhà đầu tư rất nhiều trong việc giảm thiểu các rủi ro về an toàn, pháp lý… khi muốn tiếp cận với dạng tài sản này.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc AFA Capital, Ủy viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Chúng ta đều nhìn thấy các tài sản mã hóa đang ở một “vùng xám” - chưa được công nhận từ các cơ quan quản lý ở nước ta. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới về mức độ chấp nhận tài sản số. Mỗi năm, nhà đầu tư bỏ vào hàng trăm tỷ USD. Do đó, nếu Việt Nam có thể quản lý được, đây chính là cơ hội.
Tôi nhận thấy Việt Nam đang đi theo đúng lộ trình. Một khung pháp lý, những thiết chế cần được ra đời để làm sao toàn bộ những khoản đầu tư từ tài sản mã hóa của người Việt Nam ở nước ngoài có thể được quản lý và hướng nguồn lực đó để phát triển nền kinh tế trong nước.
Ông đánh giá như thế nào về việc các cơ quản lý đề xuất thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa?
Các biện pháp của Chính phủ đang rất bài bản. Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó sẽ đưa những định nghĩa về tài sản số, tài sản mã hóa vào phạm vi điều tiết của hệ thống pháp lý. Khi có định danh về mặt pháp lý rồi, những cơ chế để vận hành, quản lý sẽ sớm được triển khai.
Ở góc nhìn cá nhân của tôi, nếu Việt Nam có sàn giao dịch tập trung tài sản mã hóa sẽ giải quyết được những vấn đề về nhu cầu đầu tư của người dân, nhu cầu quản lý của nhà nước, thu được thuế và kiểm soát rủi ro cho nhà đầu tư. Đó sẽ là một hướng đi phù hợp.
Quang cảnh hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung" mới diễn ra
Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp quản lý thuế đối với những người đầu tư vào loại tài sản này?
Với công nghệ blockchain thì toàn bộ các giao dịch đều được ghi chép lại. Hiểu đơn giản, nếu như ở giao dịch thông thường thì phải có nhà đầu tư, cơ quan quản lý, tất cả giao dịch này đều cần một bên thứ ba đi kiểm tra lại. Với blockchain thì toàn bộ giao dịch đều ghi nhận ở tất cả các bên tham gia, như công ty quản lý quỹ, sàn giao dịch, cơ quan quản lý. Không ai có thể chỉnh sửa được những dữ liệu giao dịch đó. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ quan quản lý có thể đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, kiểm soát được giao dịch, điều hướng vào các lĩnh vực cần phát triển. Đồng thời, việc quản lý, truy thu thuế từ giao dịch tài sản mã hóa có thể tăng thu ngân sách.
Nhìn rộng hơn, việc tăng thu ngân sách dẫu cũng là một mục tiêu quan trọng, nhưng nếu so với tốc độ tăng trưởng tài sản trong dân thì hiện đang có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu đầu tư với các sản phẩm tài chính trên thị trường. Nếu Việt Nam không sớm đưa ra giải pháp cho người dân có thể đầu tư một cách dễ dàng thì dòng tiền lại quay về những kênh rủi ro, thậm chí chảy ra nước ngoài.
Theo tôi, các cơ quan quản lý cần điều tiết nguồn lực từ những người có vốn ở trong nước. Bởi mục tiêu tăng trưởng hai chữ số thì nguồn lực tài chính, vốn huy động trong dân là quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Sơn
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/quan-ly-tai-san-ma-hoa-huong-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-trong-nuoc-161960.html