Đáng chú ý, trong hơn 2 tuần qua, lực lượng quản lý thị trường Vĩnh Phúc liên tiếp ra quân xử lý thực phẩm bẩn trên địa bàn.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cơ động, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Chi cục Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã kiểm tra đột xuất một nhà hàng tại TP. Vĩnh Yên.
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra đột xuất nhà hàng Thanh Mai tại TP. Vĩnh Yên, phát hiện 770kg thịt lợn có dấu hiệu quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Chi cục QLTT Vĩnh Phúc
Cơ sở vi phạm là nhà hàng Thanh Mai, địa chỉ tại tổ dân phố Đông Thành, phường Đồng Tâm, do ông Bùi Văn Thảo (trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 22 con lợn thịt đã mổ, bỏ nội tạng, tổng trọng lượng khoảng 770kg. Số thịt có dấu hiệu bốc mùi hôi, xuất huyết ngoài da, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Số thịt lợn trên bị lực lượng chức năng Vĩnh Phúc buộc tiêu hủy. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc
Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy toàn bộ lô thịt lợn bẩn theo đúng quy trình xử lý thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Trước đó, lực lượng quản lý thị trường Vĩnh Phúc cũng liên tiếp phát hiện hàng loạt vi phạm về an toàn thực phẩm. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 350 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 7/5, tại phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên), hộ kinh doanh của ông Nguyễn Anh Minh cũng bị phát hiện kinh doanh lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu gồm nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Sunsilk, Clear, Dove, Pantene... Tổng số lượng sản phẩm lên đến hàng trăm chai, trị giá hơn 34 triệu đồng. Các sản phẩm này đều có nhãn gốc nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Ngoài ra, đặc biệt nghiêm trọng là việc hộ kinh doanh này còn bán 300 chai dầu gội mang nhãn hiệu TRESEMME, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Theo lực lượng chức năng, hạn sử dụng trên các sản phẩm này được ghi là 3 năm kể từ ngày sản xuất khác biệt so với hàng chính hãng của TRESEMME Thái Lan vốn chỉ có hạn 900 ngày. Giá bán sản phẩm cũng rẻ hơn đáng kể, đặt ra nghi vấn về chất lượng và nguồn gốc thật sự của hàng hóa. Tổng giá trị hàng giả mạo nhãn hiệu là hơn 12 triệu đồng.
Một vụ việc nghiêm trọng khác được phát hiện ngày 29/4 tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất VINFOODS. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang sản xuất và lưu kho 233.100 sản phẩm bánh mì các loại như bánh mì socola, ca cao, nhân việt quất… với tổng giá trị gần 276 triệu đồng.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 5 xác định công ty đã có hành vi gian lận về thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và các nghị định liên quan. Các sản phẩm ghi ngày sản xuất là 02/5/2025 trong khi thời điểm kiểm tra là 29/4, dấu hiệu cho thấy việc ghi nhãn không trung thực. Dù doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm, giấy chứng nhận ISO 22000:2018, hóa đơn nguyên liệu… nhưng hành vi gian lận nhãn mác vẫn bị xử lý nghiêm.
Lê Minh