Bảo vệ người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết
Dù còn kẽ hở song nhiều quốc gia đã có những chính sách phù hợp, một mặt tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại điện tử nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ hàng hóa cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các quốc gia xây dựng Luật Thương mại điện tử dựa trên những khái niệm và nguyên tắc của Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL. Ảnh minh họa
Chẳng hạn tại Trung Quốc - một trong những thị trường thương mại điện tử lớn trên thế giới, với các nền tảng nổi tiếng như Alibaba, JD.com, Pinduoduo... Để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng khung pháp lý toàn diện, đặc biệt nhấn mạnh đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động của các sàn giao dịch và xử lý vi phạm trong môi trường trực tuyến.
Theo Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch, xác thực và dễ tiếp cận. Điều này bao gồm quy định về cung cấp thông tin về sản phẩm, giá cả, điều kiện giao hàng và chính sách bảo hành. Đồng thời, luật yêu cầu các nền tảng phải nhanh chóng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng và hợp tác với cơ quan quản lý trong những cuộc điều tra liên quan.
Về phương thức giao dịch, các trang web thương mại điện tử bán hàng tại Trung Quốc đều có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan về thông tin đơn hàng, tình trạng thanh toán, việc vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực khi khách hàng mua hàng hóa. Hàng hóa được xuất từ kho hàng tại nước ngoài và được vận chuyển đến khu vực riêng đối với hàng thương mại điện tử được kiểm soát bởi cơ quan hải quan bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan, giám sát kiểm định, hàng hóa được đưa đến tay khách hàng.
Cũng như Trung Quốc, một số nước cũng xây dựng luật liên quan đến thương mại điện tử từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng, với mục đích nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy lĩnh vực này phát triển lành mạnh, bền vững.
Ví dụ: Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng số; Hàn Quốc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Ấn Độ ban hành Quy định về thương mại điện tử năm theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019.
Nhiều nước khác cũng đã xây dựng Luật Thương mại điện tử như: Malaysia, Campuchia, Philipines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran… “Nhìn chung, các quốc gia xây dựng Luật Thương mại điện tử dựa trên những khái niệm và nguyên tắc Luật mẫu về thương mại điện tử của Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Trong đó, cơ bản các nước công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử nhằm tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử’’, Bộ Công Thương đánh giá.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong khi đó, thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết: Năm 2024, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự thâm nhập mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cùng xu hướng livestream bán hàng nở rộ cả trong lẫn ngoài nước đang gây sức ép lớn cho hàng hóa Việt Nam cũng như doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh không lành mạnh, trốn thuế và việc quản lý thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều rủi ro, thách thức.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử tại Việt Nam đã hình thành và phát triển qua một thời gian khá dài, với nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều mô hình kinh doanh và phương thức vận hành tương đối rõ nét. Vì vậy, đây là thời điểm tương đối phù hợp để xây dựng một đạo luật chuyên biệt, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhằm quản lý hoạt động thương mại điện tử một cách toàn diện và hiệu quả hơn.
Bộ Công Thương cho rằng, từ kinh nghiệm xây dựng khung khổ pháp luật về thương mại điện tử của đa số quốc gia và khu vực cho thấy quan điểm thống nhất của các bên trong việc không thể coi thương mại điện tử chỉ là một phương thức hoạt động thương mại mà cần phải đặt thương mại điện tử là một phương thức hoạt động thương mại đặc biệt, tiềm ẩn nhiều phức tạp, cần có văn bản pháp lý riêng biệt điều chỉnh các khía cạnh đặc thù của lĩnh vực này. Việt Nam rất cần xây dựng Luật thương mại điện tử để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để phát triển kinh tế số.
Theo đó, mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Luật này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử, Bộ Công Thương xác định 5 chính sách lớn khi xây dựng Luật Thương mại điện tử:
Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo quy định pháp luật hiện hành. Quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành.
Thứ hai, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan. Đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và chủ thể tham gia để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.
Thứ ba, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại, nhằm đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy và nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.
Thứ năm, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, các quy định tại Nghị định 52 và Nghị định 85 đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản về hoạt động và mô hình hoạt động của thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các quy định hiện hành cần được điều chỉnh.
Với điều kiện thực tế hiện nay, Bộ Công Thương và ngành Công Thương các cấp có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật Thương mại điện tử sau khi được Quốc hội thông qua, đảm bảo tính khả thi về chính sách.
Tâm An