Quan tâm giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững

Quan tâm giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững
7 giờ trướcBài gốc
Cải thiện môi trường thu hút đầu tư
Trong những năm gần đây, tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh và quảng bá hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, an toàn, hiệu quả đến nhà đầu tư. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đến thiết lập trụ sở, xây dựng nhà máy, công xưởng.
Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2024, Tuyên Quang đã thu hút và phê duyệt chủ trương đầu tư cho 72 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.165 tỷ đồng, đạt 62,3% mục tiêu của Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, tổng cộng 394 dự án đã được phê duyệt với tổng số vốn đăng ký trên 74.800 tỷ đồng, trong đó 292 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư trên 28.129 tỷ đồng.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 35.000 tỷ đồng. Các dự án, doanh nghiệp đầu tư tại Tuyên Quang ngày càng đa dạng ngành nghề, lĩnh vực như: may mặc, giày da, chế biến gỗ công nghiệp, chế biến nông sản, chế biến khoáng sản, sản xuất phân bón, chế biến chè, gang thép, sản xuất gạch tuynel… Từ đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) cho biết, sau khi Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang đầu tư tại Tuyên Quang chị đã đăng ký hồ sơ vào làm việc. Với mức thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định, chất lượng cuộc sống gia đình chị từng bước được nâng lên.
Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Nhằm giúp người lao động trên địa bàn tỉnh tiếp cận được với những việc làm mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm thu hút hàng nghìn người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia.
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hơn chục phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm kết nối người lao động, bộ đội chuẩn bị xuất ngũ, lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… với các đơn vị doanh nghiệp. Các phiên giao dịch việc làm với hơn 100 doanh nghiệp tham gia đã cung cấp cho người lao động gần 50.000 nghìn vị trí việc làm cần tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: may mặc, giày da, du lịch, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… Từ đó giúp người lao động trên địa bàn tỉnh có nhiều lựa chọn, nhiều lao động đã đăng ký đi làm việc và có thu nhập ổn định.
Người lao động trên địa bàn tỉnh tìm hiểu thông tin về thị trường lao động việc làm tại một phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức.
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức thường xuyên đã tạo cơ hội để người lao động được gặp gỡ với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Chị Đặng Thị Hương, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, sau khi tham gia phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên địa bàn huyện chị đã tìm được công việc phù hợp tại một công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Đến nay, chị đã gắn bó với công ty được hơn 1 năm, mức thu nhập trung bình đạt trên 8 triệu đồng/tháng. Có tiền hàng tháng chị gửi về giúp gia đình có thêm tiền đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Hiện nay công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều đổi mới. Ngoài cung cấp thông tin qua cách truyền thống tại các bảng tin của các xã, thị trấn, đơn vị trên địa bàn tỉnh thì trên các cổng thông tin điện tử, nền tảng xã hội như zalo, facebook của các cơ quan, đơn vị hiện nay đều chia sẻ, đăng tải các thông tin về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thị trường lao động, việc làm để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận.
Từ các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đến hết tháng 10 năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 24.755 lao động, đạt trên 109% kế hoạch. Trong đó có 15.694 lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh, 7.966 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước và 1.095 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm thực hiện hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh, thúc đẩy xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/quan-tam-giai-quyet-viec-lam-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-201066.html