Quan tâm thu hút đầu tư vào khu vực miền núi

Quan tâm thu hút đầu tư vào khu vực miền núi
2 giờ trướcBài gốc
Công nhân Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre, luồng tại thị trấn Lang Chánh thuộc Công ty CP Bamboo King Vina trong ca sản xuất.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, với diện tích đất tự nhiên lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành như chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Đây cũng là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số... Thế nhưng, làm thế nào để quản lý và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này - đó vừa là sự trăn trở và cũng là yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực miền núi cũng như của tỉnh.
Theo ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, mặc dù có nhiều dư địa, nhưng điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu không có nguồn lực đầu tư từ bên ngoài thì rất khó để địa phương bứt phá phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản xuất và đời sống cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã, đang được huyện quan tâm đẩy mạnh. Thời gian qua, với sự quan tâm của tỉnh, ngành chức năng cùng sự nỗ lực từ phía huyện nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và thương mại, dịch vụ với nhiều dự án quan trọng như: Dự án Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre, luồng tại thị trấn Lang Chánh do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư 600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động; Dự án Nhà máy may xuất khẩu do Công ty TNHH may mặc HQVN đầu tư 85 tỷ đồng... Trong lĩnh vực du lịch, trên địa bàn đã có Công ty Đầu tư và Phát triển Ma Hao đầu tư triển khai dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bản Năng Cát - thác Ma Hao với tổng số vốn 113,407 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng đã đến tìm hiểu và xin chủ trương để khai thác các điểm du lịch trên địa bàn tại Pù Rinh, làng Thiền, bản Năng Cát và 9 điểm tham quan tại đền Mẫu Chúa Thượng Ngàn, thác Mây, thác 7 tầng, thác Xanh, thác Đá Đen, núi Chí Linh...
Được biết, đến hết tháng 9/2024, huyện Lang Chánh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 2 dự án thuộc lĩnh vực thể thao, du lịch; 1 dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại và 2 dự án thuộc lĩnh vực khai khoáng. Cùng với đó, huyện đang tiếp tục điều chỉnh, mở rộng Cụm Công nghiệp Bãi Bùi tại thị trấn Lang Chánh và phát triển Cụm Công nghiệp Lý Ải để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi và thu hút đầu tư các dự án lớn vào địa bàn, như: Nhà máy giày da quy mô 15ha, vốn 300 tỷ đồng tại khu phố Tỉu, thị trấn Lang Chánh, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 10.000 công nhân; dự án khu dân cư mới thị trấn Lang Chánh; dự án khu đô thị mới Phống Bàn...
Tại huyện Cẩm Thủy, sau nhiều năm nỗ lực và chú trọng công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải cách bộ máy chính quyền địa phương, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quan trọng. Đơn cử như: Dự án trang trại chăn nuôi heo nái ngoại sinh sản công nghệ cao, quy mô 5.000 con/lứa của Công ty CP Chăn nuôi Phong Sơn (148,76 tỷ đồng); Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt gia công tại xã Cẩm Châu (30 tỷ đồng); Dự án khai thác đất sét làm gạch tuynel tại xã Cẩm Long và xã Cẩm Phú (6,8 tỷ đồng)... Từ đầu năm 2024 đến nay có 3 doanh nghiệp đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 456 tỷ đồng.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.432,9 tỷ đồng và 367,86 triệu USD. Trong số 94 dự án, khu vực miền núi có 16 dự án (1 dự án FDI) với tổng vốn 4.312,9 tỷ đồng và 22,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn.
Đây được xem là tiền đề quan trọng tạo nên sức bật để các địa phương phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, theo nhận định, đánh giá từ ngành chức năng cũng như các địa phương cho thấy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của khu vực này. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư vào khu vực miền núi hiện vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như: Chưa thu hút được các dự án lớn, mang tính đột phá; kết cấu hạ tầng ở nhiều địa phương chưa đồng bộ; giao thông kết nối giữa các vùng sản xuất hàng hóa với các xã, thôn, bản còn nhiều hạn chế; thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi... Điều này cũng đồng nghĩa, tỉnh, ngành chức năng và các địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu xúc tiến, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đến thực thi các chính sách khuyến khích để tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Bài và ảnh: Phong Sắc
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/quan-tam-thu-hut-dau-tu-vao-khu-vuc-mien-nui-227210.htm