Quần thể Thông hai lá dẹt cổ thụ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

Quần thể Thông hai lá dẹt cổ thụ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam
10 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu và lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chụp ảnh lưu niệm sau khi thực hiện nghi thức công bố danh hiệu Cây Di sản
Buổi lễ có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành của tỉnh, chính quyền huyện Lạc Dương, đặc biệt là có sự tham dự của đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Thông hai lá dẹt
Thông hai lá dẹt (có tên khoa học là Pinus krempfii) là loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, chỉ sinh trưởng tại cao nguyên Langbiang. Các nhà thực vật học hàng đầu thế giới xem chúng như "sứ giả từ thời tiền sử".
Nhà thực vật học người Pháp Chevalier khẳng định đây là loài duy nhất còn sót lại từ chi thực vật cổ đại. Các nhà khoa học Mỹ như Krisphind và Litenle thì coi thông hai lá dẹt là "hóa thạch sống" của Kỷ Đệ Tam, có họ hàng chỉ được biết đến qua các mẫu hóa thạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận quần thể thông hai lá dẹt là Cây Di sản Việt Nam cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và đại diện hộ dân bảo vệ rừng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tôn Thiện An - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, bày tỏ niềm vui và vinh dự lớn khi quần thể thông hai lá dẹt được bảo vệ, gìn giữ đang phát triển và sinh trưởng rất tốt tại Vườn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Ông Tôn Thiện An - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà phát biểu tại lễ công bố
Ông chia sẻ: “Đối với cán bộ, viên chức của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Thông hai lá dẹt không chỉ là một kiệt tác của tạo hóa mà còn là báu vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Với đồng bào các dân tộc địa phương, loài cây này mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của cộng đồng.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà những năm qua đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, phát triển loài thông này. Vườn đã đệ trình hồ sơ đề xuất và vinh dự được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể thông hai lá dẹt cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam”.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cạnh một cây Thông hai lá dẹt cổ thụ vừa được gắn bảng Cây Di sản Việt Nam
Quần thể Thông hai lá dẹt được công nhận gồm 108 cây, có tuổi đời từ 700 đến 1.000 năm, chiều cao từ 35 đến 40 mét. Đây được xem là quần thể Thông hai lá dẹt lớn nhất tại Việt Nam và cả trên thế giới tính đến thời điểm hiện nay.
Không chỉ là biểu tượng của sự trường tồn, loài cây này còn là minh chứng sống động cho giá trị của hệ sinh thái rừng nguyên sinh và những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên bền vững ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Buổi lễ đón nhận bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam được tổ chức ngay dưới những tán cây Thông hai lá dẹt cổ thụ ở rừng của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
Phát biểu tại buổi trao danh hiệu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Danh hiệu Cây Di sản Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị của loài cây cổ thụ quý hiếm mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn gen quý hiếm, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.
Các đại biểu trồng Thông hai lá dẹt tại Tiểu khu 89
Ngay sau lễ đón nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đã phát động trồng cây, bổ sung quần thể Thông hai lá dẹt và Thông ba lá và năm lá.
Trồng bổ sung thông năm lá
30 cây Thông hai lá dẹt và 500 cây thông 5 lá và 3 lá do Vườn nhân giống, đã được các đại biểu, cán bộ, người lao động và người dân địa phương tham gia trồng tại các khu vực dọc theo Quốc lộ 27C và các khu vực rải rác trong Vườn Quốc gia.
Cán bộ, nhân viên của Vườn và Hạt Kiểm lâm trồng thông 3 lá tại khu vực đất trống dọc Quốc lộ 27C
Việc công nhận quần thể Thông hai lá dẹt cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam đánh dấu một bước tiến với những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động bảo tồn di sản thiên nhiên độc đáo của Việt Nam. Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng địa phương và môi trường sống.
Hình dáng một cây Thông hai lá dẹt cổ thụ thuộc quần thể trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Tại buổi lễ, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực để khẳng định vai trò là khu bảo tồn quan trọng, nơi không chỉ những cây thông cổ thụ hai lá dẹt được bảo vệ và phát triển mà còn rất nhiều loài động thực vật quý, giá trị khác cũng tiếp tục được bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ tương lai.
NGUYỄN NGHĨA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/quan-the-thong-hai-la-det-co-thu-vuon-quoc-gia-bidoup-nui-ba-duoc-vinh-danh-la-cay-di-san-viet-nam-d0a29e6/