Quán trà đá ở chân cầu Phong Châu thành nơi tá túc tìm người thân

Quán trà đá ở chân cầu Phong Châu thành nơi tá túc tìm người thân
3 giờ trướcBài gốc
Những ngày này, nhà chị Nguyễn Thị Thu ở khu 23, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ luôn có hàng chục người tá túc. Họ không phải người thân thích với chị, họ là những thận nhân của các nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu hôm 9/9 vừa qua.
Quán nước chị Thu, nơi gần với chân cầu Phong Châu luôn có rất đông người nhà các nạn nhân nghỉ ngơi để chờ thông tin.
Toàn bộ 3 gian nhà phía sau đều được mắc võng, trải chiếu để mọi người nghỉ ngơi ngóng tin lực lượng chức năng tìm kiếm người thân mất tích, trục vớt phương tiện bị rơi xuống sông Hồng.
Cùng với thân nhân các nạn nhân, còn có cả cả lực lượng tìm kiếm cứu nạn sau những giờ tìm kiếm dưới sông cũng được chị bố trí kê mấy chiếc giường gấp để nghỉ ngơi tạm thời.
Chị Thu chia sẻ, nhà ngay sát ngã ba cầu Phong Châu – QL32, vì sống cùng mẹ già nên chị không thể đi làm công ty được, gần chục năm qua chị mở quán bán trà đá, nước giải khát ngay tại nhà để phục vụ người qua đường và tiện chăm sóc gia đình.
Người nhà các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu ngồi vạ vật ngóng tin tức về các nạn nhân còn mất tích.
“Từ hôm cầu Phong Châu bị sập đến nay, cuộc sống của gia đình trở nên “bận bịu” hơn. Tôi cũng không bán hàng nữa mà chỉ đun nước, pha trà mời mọi người uống và nghỉ ngơi. Ban đầu thì để mọi người ngồi uống nước để đợi cho đỡ sốt ruột. Đến tối, hàng chục người thân những nạn nhân ở khắp nơi vẫn cứ vạ vật ngoài đường để chờ đợi thông tin. Tôi thấy vậy nên đã dọn dẹp đồ đạc mấy phòng phía sau lại, nhường chỗ cho mọi người trải chiếu, mắc võng nằm tạm”, chị Thu nói.
Theo chị Thu: “Người ta có điều kiện đang đi làm từ thiện, chia sẻ với bà con vùng lũ bão, sạt lở trên kia. Nhà mình gần đây thì có gì giúp đỡ nấy cho thân nhân những người mất tích ở cầu Phong Châu có chỗ nghỉ ngơi để đợi lực lượng chức năng tìm kiến người thân của họ không may mắn trong sự cố sập cầu vừa qua chứ có làm được gì nhiều đâu”.
Chị Nguyễn Thị Thu là chủ quán nước, nơi gần với chân cầu Phong Châu (Phú Thọ) vừa xảy ra vụ sập cầu đau thương.
Chị Thu kể lại, sau khi cầu Phong Châu sập được vài tiếng đồng hồ, hàng trăm thân nhân của người bị nạn từ khắp nơi về đây, ghé qua quán nước của chị hỏi thông tin. Nhìn họ đau khổ, đứng thẫn thờ ngóng người thân, chị ra mời mọi người vào quán nghỉ. Khi thân nhân đến nhiều, chị Thu cùng con trai chuẩn bị võng, giường, kê thêm bàn ghế để mọi người nghỉ ngơi.
“Trong hoàn cảnh đau thương này, tôi xem người nhà nạn nhân cũng như người thân của mình, nên cố gắng giúp đỡ họ. Của ít lòng nhiều, tôi chỉ có nước trà, nước lọc, gói mì…nhà ăn gì thì mời mọi người ăn cùng chứ không có gì to tát. Miễn làm sao mình động viên được mọi người”, chị Thu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa ngày ngày ra đầu cầu Phong Châu bị sập để ngóng đợi tin về đứa cháu mất tích.
Theo chị Thu, những tối đầu sau vụ sập cầu, hầu như những người nhà đến tìm người thân đều ngủ ở đây. Thấy họ đau buồn, khóc gọi người thân khiến chị rơi nước mắt theo.
“Nhìn cảnh ấy không đau lòng sao được em. Mình cũng là người, cũng có người thân, họ hàng mà...Những ngày đầu, có đến 20 -30 người ở trong nhà tôi. Ngày họ ở ngoài cũng với các lực lượng tìm kiếm, tối, lúc mệt quá lại vào trong nhà nằm nghỉ. Nhiều chị phụ nữ yếu, đi xã bị say xe lên đây, đêm không nghủ được khóc người thân nên cũng phải động viên, chia sẻ nhiều với họ, cần gì mình hỗ trợ thêm”, chị Thu chia sẻ.
Những ánh mắt bồn chồn, lo lắng và mệt mỏi đợi người thân trong vụ sập cầu.
Được biết, suốt từ hôm 9/9 đến nay, hơn nửa tháng trôi qua, mỗi ngày chị đun cả chục phích nước, pha trà mời mọi người, hễ ai khát thì uống, đói thì pha mỳ ăn, mệt quá thì vào nằm nghỉ lưng tạm rồi chờ đợi.
“Tiền nong, lãi lờ gì lúc này. Tình cảm là quý giá nhất thôi. Khi hoạn nạn người ta cần mình giúp được mới quý. Tuy không phải phòng nghỉ sạch đẹp êm ấm gì, không có điều hòa gì nhưng có được chỗ cho mọi người nằm nghỉ qua đêm không bị mưa ướt, không bị nóng bức quá là mình cũng thấy an ủi người thân của các nạn nhân được phần nào rồi. Tôi chỉ mong nước sông xuống để lực lượng chức năng tìm kiếm vớt được nạn nhân lên, để người nhà bớt đau khổ”, chị Thu chia sẻ.
Anh Bùi Ngọc Quý cho biết cảm thấy ấm lòng hơn khi được chị Thu cho nghỉ ngơi trong những ngày chờ đợi bên chân cầu Phong Châu.
Anh Bùi Ngọc Quý – lái xe của Công ty Tự Lập Phú Thọ cho biết, chục ngày nay anh được công ty cắt cử ra đây phối hợp cùng lực lượng chức năng ngóng đợi tin về bạn là lái xe Lương Công Ch. mất tích. Cả ngày “vật vạ” ở đây, anh kể, thấy gần như suốt đêm chị Thu không nghỉ chân, đi lại động viên từng người. Nhà cũng mở cửa, điện sáng cả đêm cho mọi người ra vào.
“Chị pha mì tôm mời chúng tôi ăn, mời sữa, cháo cho các chị phụ nữ sức khỏe yếu. Thực sự trong hoàn cảnh này, việc làm của chị Thu khiến chúng tôi ấm lòng. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng được sự giúp đỡ như này ai cũng thấy như được chia sẻ đau thương, mất mát phần nào”, anh Quý nói.
Khuôn mặt thẫn thờ của chị Bùi Thị Minh Phương khi nhiều ngày mong ngóng người thân mất tích.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa gần 70 tuổi ở Hương Nộn, Tam Nông là ông của nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu ngày nào cũng cùng con trai (là cậu của nạn nhân), mẹ nạn nhân đến đầu cầu ngồi đợi tin con, tin cháu, lòng buồn rượi vì đã hơn chục hôm rồi chưa thấy tung tích gì của đứa cháu mất tích. Nhưng ông cảm thấy ấm lòng phần nào vì những hôm sau mưa bão, ngoài trời liên tục mưa như trút nước. Nếu không có chỗ để ngồi nhờ thì chắc mọi người cũng ốm hết.
“Sự cố không mong muốn, trong lúc này thì mới thấy được ý nghĩa câu “bầu ơi thương lấy bí cùng”, mất mát với gia đình chúng tôi là quá lớn, không gì bù đắp được. Nhưng qua đây thấy được tấm lòng, tình cảm của nhiều người, như mẹ con chị Thu mà chúng tôi cũng thấy nguôi ngoai đi phần nào”, ông Nghĩa cho hay.
Chị Đinh Thị Liên không còn nước mắt để ngóng đứa con gái gặp nạn hôm 9/9 tại cầu Phong Châu.
Đáng thương hơn cả là trường hợp của chị Đinh Thị Liên ở khu 18, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông là mẹ của nạn nhân Nguyễn Thị L. đi xe máy bị mất tích trong vụ sập cầu này.
Từ hôm nghe tin con gặp nạn là chị bỏ công việc, lặn lội ra đầu cầu ngóng đợi tin con. Hàng ngày chị ăn ngủ, sinh hoạt luôn tại “phòng trọ” chị Thu cho tiện việc liên hệ với cơ quan chức năng để tìm kiếm con.
Khu ăn nghỉ dã chiến của thân nhân những nạn nhân sập cầu Phong Châu phía sau nhà chị Thu.
“Bố nó bị bệnh gan, yếu không đi lại được, nhà chỉ có 1 mẹ 1 con, nó cùng tôi làm lụng nuôi bố nó và em nhỏ. Không ngờ buổi sáng nó chào tôi để đi đó là cũng lời chào lần cuối.
Từ hôm đó đến nay ra đây, ăn nằm nhờ ở quán nước này, không mong tìm được con còn sống, chỉ mong sớm tìm được cháu về để chôn cất cho thanh thản, vậy mà đến nay vẫn chưa có thông tin gì”, nói rồi chị Lan lại nấc nghẹn và khóc.
Hiện lực lượng chức năng đang tăng cường đẩy nhanh tìm người mất tích vụ sập cầu Phong Châu.
Trong khó khăn, lúc hoạn nạn thì tình ruột thịt, nghĩa đồng bào lại được khơi dậy và nhân lên, tiếp lửa và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần cố kết cộng đồng. Chị Thu và hàng ngàn vạn người dân Việt Nam đang làm những điều nhỏ bé để chia sẻ khó khăn với đồng bào bị bão lụt, chia sẻ với thân nhân các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu – những nạn nhân của mưa bão số 3 gây ra...
Qua đó cho thấy, tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, đùm bọc nhau là nét đẹp, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử và trường tồn cùng dân tộc.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/quan-tra-da-o-chan-cau-phong-chau-thanh-noi-ta-tuc-tim-nguoi-than-post1123921.vov