Quảng cáo sai, trả giá thật

Quảng cáo sai, trả giá thật
18 giờ trướcBài gốc
Quảng cáo lố, hệ lụy thật
Từng tin tưởng vào lời quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hà Đông) đã mua sữa hỗ trợ tiểu đường cho người thân sử dụng. Nhưng sau khi đọc được thông tin phản ánh trên báo chí, chị thất vọng, không chỉ vì chất lượng sản phẩm mà vì niềm tin đã đặt sai chỗ.
“Sau khi xem thông tin trên báo chí về những người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm tôi cảm thấy thất vọng về những người nổi tiếng”, chị cho hay.
Không hiếm để bắt gặp những nội dung quảng cáo một loại thực phẩm chức năng được ca ngợi như “thần dược”, một sản phẩm giảm cân được gắn mác “được chuyên gia kiểm chứng” – tất cả chỉ cần một lời nói từ người nổi tiếng là có thể khiến hàng ngàn người tin theo.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: “Khi người tiêu dùng đã chọn niềm tin, tình cảm, yêu mến vào những người nổi tiếng cũng như những gì, những sản phẩm của người nổi tiếng đưa ra và điều đó rõ ràng là nguy cơ rất lớn, nguy hại rất nhiều không chỉ là sản phẩm mà họ tiêu thụ đâu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và cả người nổi tiếng nữa”.
Một trong những lỗ hổng lớn hiện nay là việc quản lý lỏng lẻo các nền tảng phát tán quảng cáo. Trong khi luật quảng cáo hiện hành chưa thực sự theo kịp thực tiễn, thì các nội dung vi phạm vẫn xuất hiện hàng ngày, hàng giờ, tiếp cận người dùng mọi lúc, mọi nơi.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu: “Tôi đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn. Về cơ chế bồi thường và hoạt động quảng cáo sai của những người quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, tôi thấy cần quy định rõ hơn trong Luật".
Quảng cáo sai: Chỉ cần xin lỗi?
Khi scandal nổ ra, lời xin lỗi được tung ra nhanh chóng, đi kèm cụm từ quen thuộc “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”. Nhưng trong thế giới truyền thông hiện đại, không ít lời xin lỗi bị nghi ngờ chỉ là chiến thuật làm dịu khủng hoảng.
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Truyền thông - Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Lời xin lỗi sẽ thường được nói ra, dù lý do là gì. Vì đó là một trong những động thái đầu tiên nhằm giảm thiểu thiệt hại cho rủi ro, khủng hoảng xảy ra đối với người nổi tiếng. Nên dù họ ăn năn thật lòng hay chỉ sử dụng nó như một chiến lược thì đó vẫn là điều họ cần làm khi xảy ra hoạt động gây ảnh hưởng đến hình ảnh của họ".
Người nổi tiếng vi phạm quảng cáo là vấn đề toàn cầu. Nhiều người đã bị cấm sóng, phạt tiền hoặc kiện tụng do quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm hay tiếp tay cho lừa đảo. Tháng 5/2022, diễn viên Cảnh Điềm (Trung Quốc) bị phạt hơn 25 tỷ đồng và cấm nhận quảng cáo trong ba năm. Cùng năm, Kim Kardashian (Mỹ) bị phạt 1,26 triệu USD vì quảng bá tiền số sai quy định. Hay người mẫu Quách Mỹ Mỹ (Trung Quốc) bị kết án 2 năm, 6 tháng tù vì bán thuốc chứa chất cấm. Điểm chung ở nhiều nước là không nương tay trong xử phạt người nổi tiếng vi phạm.
Luật sư Phạm Quang Xá - Giám đốc Công ty TNHH Luật XTVN cho rằng: “Các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc,... đều có chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, tùy theo tính chất mức độ hậu quả, thiệt hại của hành vi đó mà có thể phạt tiền hoặc phạt tù. Điều này thể hiện xu hướng toàn cầu trong việc siết chặt sức ảnh hưởng của nghệ sĩ trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo sản phẩm mà không kiểm chứng thông tin".
Ở Việt Nam, Luật Quảng cáo đang trong quá trình sửa đổi, với các quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm người nổi tiếng. Nếu quảng cáo sai gây hậu quả nghiêm trọng, họ có thể bị cấm quảng cáo, bị phạt nặng và buộc bồi thường.
Một lời xin lỗi không thể thay thế trách nhiệm. Trong thời đại mạng xã hội và luật pháp ngày càng chặt chẽ, người nổi tiếng không thể vô tư đặt chữ ký lên những sản phẩm chưa kiểm chứng. Hình ảnh không chỉ là tài sản cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của hàng triệu người. Xin lỗi – nếu chân thành, có thể là khởi đầu mới. Nhưng chỉ hành động đúng mới là con đường lâu dài để lấy lại lòng tin.
Trách nhiệm không chỉ là chuyện cá nhân
Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) sắp được trình Quốc hội thông qua thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh và có trách nhiệm. Lần đầu tiên, trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, theo các quy định tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý (trong đó có người nổi tiếng) khi tham gia hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định.
"Tại khoản 5, điều 1, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung điều 11 của Luật Quảng cáo năm 2013 quy định, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3, điều 23, người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải chấp hành các biện pháp xử phạt vi phạm pháp luật về quảng cáo", ông Triệu Thế Hùng nói.
"Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Quảng cáo được ban hành, Chính phủ sẽ sửa đổi nghị định quy định xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, trong đó quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính tương ứng trong hoạt động quảng cáo", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết thêm.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được ban hành sẽ tạo dựng hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch, công bằng cho các chủ thể tham gia quảng cáo. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng quảng cáo tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp quảng cáo, bảo vệ quyền chính đáng của người tiêu dùng. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo cũng tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác định rõ trách nhiệm của mình khi thực hiện quảng cáo, đặc biệt là đối với các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
Khi người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Những năm qua, nhiều người nổi tiếng trên thế giới đã vướng vào các vụ kiện đình đám liên quan đến quảng cáo sai sự thật. Từ sản phẩm giảm cân QuickTrim, sữa chua Activia, đến nước ngọt Poppi, các chiến dịch quảng bá thổi phồng công dụng, thiếu cơ sở khoa học đã khiến người tiêu dùng bị lừa dối, dẫn đến những vụ kiện tập thể với số tiền bồi thường lên đến hàng chục triệu USD. Những sự việc này không chỉ gây tổn hại danh tiếng của các ngôi sao mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm đạo đức và pháp lý khi quảng bá sản phẩm đến công chúng.
Năm 2012, ba chị em nhà Kardashian gồm Kim, Khlóe và Kourtney phải đối mặt với vụ kiện tập thể trị giá 5 triệu USD liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật cho sản phẩm giảm cân QuickTrim. Vụ kiện được đệ trình tại Tòa án quận Nam New York vào tháng 3 năm đó, cáo buộc rằng các tuyên bố về hiệu quả giảm cân của sản phẩm QuickTrim, được các chị em Kardashian quảng bá rầm rộ trên truyền hình, mạng xã hội và các sự kiện công khai là "sai lệch, gây hiểu nhầm và không có cơ sở khoa học", cũng như không mang lại kết quả như quảng cáo.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác nhận rằng thành phần chính trong QuickTrim là caffeine liều cao, không được công nhận là an toàn hoặc hiệu quả trong việc kiểm soát cân nặng lâu dài. Nhãn hiệu này đã thu về khoảng 45 triệu USD doanh thu từ năm 2009 đến 2012, phần lớn nhờ vào chiến dịch quảng bá của chị em nhà Kardashian.
Vụ kiện không chỉ nhắm đến chị em Kardashian mà còn bao gồm các nhà phân phối và nhà sản xuất QuickTrim, như Infinium Brands và GNC. Vụ việc đã làm dấy lên tranh luận rộng rãi về trách nhiệm đạo đức và pháp lý của những người nổi tiếng khi quảng bá sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) bắt đầu siết chặt quy định về quảng cáo sai sự thật. FTC nhấn mạnh rằng người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm nếu họ đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc không tiết lộ mối quan hệ tài chính với thương hiệu.
Vụ kiện QuickTrim đã trở thành một trong những trường hợp điển hình về việc lạm dụng ảnh hưởng của người nổi tiếng trong ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung, thúc đẩy các cuộc thảo luận về quy định chặt chẽ hơn đối với quảng cáo sản phẩm sức khỏe trên các nền tảng truyền thông.
Năm 2021, Tập đoàn sữa chua Dannon đã phải trả giá đắt cho chiến dịch quảng cáo được xem là "gian dối" khi tuyên bố sản phẩm Activia và DanActive có hiệu quả "đã được chứng minh lâm sàng" trong việc cải thiện tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Với sự tham gia quảng bá của nữ diễn viên Jamie Lee Curtis trong nhiều quảng cáo truyền hình, sản phẩm được tiếp thị rầm rộ và bán với giá cao hơn 30% so với các loại sữa chua thông thường. Tuy nhiên, các nghiên cứu mà Dannon dùng để chứng minh hiệu quả sản phẩm bị đánh giá là không đủ căn cứ khoa học, không có ý nghĩa thống kê hoặc chỉ áp dụng cho nhóm người cao tuổi – không đại diện cho số đông người tiêu dùng.
Vụ việc bắt đầu từ một đơn kiện của một khách hàng ở Los Angeles vào năm 2008 và nhanh chóng trở thành một vụ kiện tập thể. Kết quả, Tòa án Liên bang ở Cleveland đã ra phán quyết buộc Dannon phải bồi thường tới 45 triệu USD cho người tiêu dùng và buộc hãng này phải thay đổi nội dung quảng cáo. Cùng với đó, Dannon cũng phải chấp nhận một khoản phạt riêng 21 triệu USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì các tuyên bố sai lệch về sức khỏe. Từ sau đó, công ty bị cấm đưa ra các tuyên bố về hiệu quả tiêu hóa nếu không có ít nhất hai nghiên cứu lâm sàng phù hợp làm cơ sở.
Năm 2024, Thương hiệu nước ngọt Poppi, từng được quảng bá rầm rộ bởi loạt người nổi tiếng như Kylie Jenner, Post Malone và Olivia Munn, hiện đang đối mặt với một vụ kiện tập thể vì hành vi quảng cáo sai lệch, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Poppi tự giới thiệu là lựa chọn “lành mạnh hơn” so với nước ngọt truyền thống, với chỉ 5g đường, dưới 25 calo và đặc biệt là chứa “prebiotics” – các chất xơ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, đơn kiện do nguyên đơn Kristin Cobbs đệ trình tại California cáo buộc Poppi đã thổi phồng công dụng của sản phẩm. Cụ thể, mỗi lon Poppi chỉ chứa 2g chất xơ prebiotic, quá thấp để mang lại hiệu quả cho tiêu hóa nếu chỉ uống một lon mỗi ngày.
Đáng chú ý, đơn kiện còn cho rằng để có được lợi ích như Poppi quảng cáo, người tiêu dùng sẽ cần uống hơn 4 lon/ngày – dẫn đến lượng đường hấp thụ cao, gây phản tác dụng. Ngoài ra, loại prebiotic mà Poppi sử dụng, agave inulin, còn bị cáo buộc có thể gây đầy hơi, khó chịu và thậm chí dẫn đến viêm hoặc tổn thương gan nếu dùng liều cao.
Đáp lại, Poppi cho biết họ “tự hào về sản phẩm” và khẳng định “sẽ mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc”. Tuy nhiên, vụ việc đã làm dấy lên lo ngại về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc kiểm chứng thông tin trước khi quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Phan Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/quang-cao-sai-tra-gia-that-328846.htm