Thực phẩm cũng quảng cáo lố
Những ngày qua, “lòng xe điếu” trở thành từ khóa gây xôn xao mạng xã hội bởi nhiều thông tin cho rằng món ăn đắt đỏ này thực chất chỉ là lòng heo bình thường được tiểu thương tạo hình. Thậm chí, có người còn nghi ngờ loại lòng này thực chất là hàng tồn kho, được nhập về Việt Nam và chế biến lại bởi trên thực tế, rất khó có đủ lượng lòng heo loại này để cung cấp đại trà cho các nhà hàng mỗi ngày.
Kiểm tra quán Lòng Chát.
Sự việc càng được quan tâm khi mới đây, clip ghi cảnh một chủ quán ăn tại Hà Nội khoe bộ lòng xe điếu dài 40m, nặng 5,8kg, được cho là lấy từ một con heo cái nặng hơn 100kg được đăng tải trên mạng xã hội. Những hình ảnh và thông tin được quảng cáo càng khiến nhiều người hoài nghi về nguồn gốc thực sự và chất lượng của loại thực phẩm này.
Người quảng cáo này là nhân vật thường được biết đến trên mạng xã hội với biệt danh “Thế Lòng Se Điếu Ngô Quyền Thế”, một TikToker nổi tiếng. Quán lòng mà Thế quảng cáo là quán Lòng Chát, có cơ sở ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau khi video về bộ lòng xe điếu dài 40m trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội, nhiều video cũ quảng cáo lòng xe điếu của TikToker này cũng bị dân mạng “đào lại”.
Mới nhất, nhiều người dùng mạng vừa chia sẻ lại một video cũ của Ngô Quyền Thế khi anh kiểm tra chất lượng của bộ lòng xe điếu sống mới nhận được. Trong video, anh khứa một số đoạn nhỏ trên bộ lòng để xem tình trạng bên trong, thậm chí dùng miệng nếm ngay miếng lòng sống. Hình ảnh này khiến dân mạng khó hiểu với cách kiểm tra lòng của Ngô Quyền Thế, đồng thời kinh hãi khi anh trực tiếp nếm số lòng sẽ đem đi chế biến cho khách.
Trước dư luận ồn ào, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã vào cuộc kiểm tra cơ sở quán Lòng Chát tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu vào sáng ngày 8/5/2025. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết, cửa hàng chuyên chế biến các món về lòng chứ không chỉ riêng món lòng xe điếu.
Về bộ lòng dài 40m, chủ cơ sở phân trần đây là hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội vào năm 2024. Đồng thời cũng xin lỗi người tiêu dùng về thông tin và hình ảnh đã đăng tải vì “nói hơi quá”. Chủ cơ sở cho biết “thực ra bộ lòng chỉ dài 25-27m” và thông tin thêm với đoàn kiểm tra về việc cơ sở có đặt được bộ lòng xe điếu là từ con lợn nái trên 200kg của một tiểu thương ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Song qua kiểm tra thực tế, chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc bộ lòng mua từ một năm trước.
TikToker Ngô Quyền Thế từng quảng cáo lòng xe điếu.
Hiện cơ sở này chỉ xuất trình được hợp đồng nhập thực phẩm của cá nhân ở huyện Thường Tín nhưng chưa xuất trình được hồ sơ của cơ sở giết mổ cung cấp thực phẩm cho cá nhân này. Theo đó, đoàn kiểm tra yêu cầu quán cung cấp đầy đủ hồ sơ năng lực của cơ sở cung cấp nội tạng lợn theo quy định đến UBND quận Cầu Giấy.
Trước lùm xùm, quán Lòng Chát trên đường Hồng Lạc (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ treo băng rôn thông báo tạm ngừng hoạt động. Chủ quán cũng đã có những chia sẻ trên fanpage chính thức của mình. Đặc biệt, trong thư, chủ quán khẳng định Ngô Quyền Thế là nhân sự phụ trách truyền thông chứ không phải chủ quán khiến dư luận bất ngờ. Chủ quán thừa nhận có thiếu sót trong khâu kiểm soát nội dung truyền thông, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khách hàng vì đã để xảy ra sự cố gây tranh cãi. Người này cũng cho biết đã kiểm điểm Ngô Quyền Thế vì “sử dụng biện pháp nói quá không đúng lúc”, gây hiểu nhầm rằng đó là bộ lòng không có thật.
Trước đó, quán bún bò Huế tại Hai Bà Trưng, Hà Nội đang nhận hàng loạt bình luận chỉ trích trên mạng xã hội vì bảng quảng cáo có nội dung gây tranh cãi, bị cho là phản cảm. Tấm bảng được in câu: “Ở đây có bán bún bò Huế ngon hơn cả mẹ bạn”.
Phần đông cư dân mạng đồng tình với người đăng hình ảnh, cho rằng quán quảng cáo một cách “cợt nhả”, “vô văn hóa”. Nhiều người khẳng định, sẽ không bao giờ tới quán này thưởng thức bởi cách làm truyền thông “phản cảm”.
Tuy nhiên quản lý của quán cho biết: Tấm bảng này do bộ phận in ấn in thiếu chữ “nấu”. Quán muốn đăng: Ở đây có bán bún bò Huế ngon hơn cả mẹ bạn nấu. Đồng thời thừa nhận bản thân đã chủ quan, thiếu sót nên không kịp thời phát hiện lỗi sai nghiêm trọng. Ngay khi bị phản ánh, quán đã bỏ tấm bảng và khẳng định không cố ý thiết kế bảng quảng cáo gây hiểu nhầm, tranh cãi để truyền thông cho quán. Sự việc khiến lượng khách tới quán sụt giảm mạnh.
Gia tăng chế tài xử phạt
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Cần nhìn nhận hành vi quảng cáo sai sự thật không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà còn tiềm ẩn rủi ro cho xã hội rất lớn, nhất là khi nó tác động đến xu hướng tiêu dùng và lòng tin của người dân đối với hàng hóa nội địa. Quảng cáo thực phẩm cũng cần sự trung thực - vì đây là lĩnh vực gắn trực tiếp với sức khỏe cộng đồng”.
Trong bối cảnh quảng cáo trực tuyến ngày càng lan rộng, việc kiểm soát nội dung trên nền tảng số là hết sức cấp thiết. Cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm, thanh tra đột xuất, phối hợp với các nền tảng số như Facebook, TikTok để gỡ bỏ nội dung vi phạm và xử phạt nghiêm minh. Song song đó, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng cũng là một “lá chắn” hữu hiệu giúp hạn chế tác hại từ những “chiêu trò lòng 40 mét” đánh tráo sự thật vì lợi nhuận.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm đã bị phát hiện - từ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đến hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng, đánh lừa người tiêu dùng. Dù vậy, phần lớn các trường hợp vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính lên đến 200.000.000 đồng, kèm theo các biện pháp bổ sung như buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận, hoặc tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, mức phạt này còn quá nhẹ, không tương xứng với mức độ nguy hiểm và mức lợi nhuận lớn mà hành vi vi phạm có thể mang lại.
Đặc biệt, trong các trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, pháp luật hình sự hoàn toàn có thể được áp dụng. Cụ thể, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định rõ:
“Người nào sản xuất, chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng có thể bị phạt tù từ 1 năm đến tù chung thân, tùy theo mức độ hậu quả”.
Ngoài ra, hành vi quảng cáo sai sự thật về thực phẩm - đặc biệt là thực phẩm chức năng, đồ uống, sữa và các sản phẩm tiêu dùng nhanh - có thể bị xử lý theo Điều 197 Luật An toàn thực phẩm, Điều 8 Luật Quảng cáo, và Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP với mức phạt lên tới 100.000.000 đồng và buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở việc thực thi. Việc khó chứng minh hậu quả sức khỏe, thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc và việc thanh tra - kiểm tra còn chưa chặt chẽ khiến các vụ việc không xử lý kịp thời hay xử lý chưa nghiêm minh.
“Nếu không mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự trong các vụ vi phạm có yếu tố nguy hiểm, việc phạt hành chính sẽ chỉ khiến doanh nghiệp vi phạm xem đó như chi phí kinh doanh, chứ không phải sự răn đe từ pháp luật. Đã đến lúc cần rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng mở rộng căn cứ xử lý hình sự, đồng thời tăng cường đầu tư vào công nghệ kiểm nghiệm thực phẩm, hệ thống kiểm tra chéo, cảnh báo sớm, nhằm đảm bảo quyền được an toàn thực phẩm - một quyền cơ bản của người tiêu dùng - được thực thi đầy đủ và nghiêm minh”, luật sư Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, thực phẩm bẩn, kém chất lượng không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Thế nhưng, không ít vụ việc bị phát hiện chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, tiêu hủy hàng hóa hoặc tạm đình chỉ kinh doanh - những chế tài vốn chưa đủ sức răn đe. Thực tế, Luật An toàn thực phẩm 2010, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cùng với các nghị định hướng dẫn như Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 38/2021/NĐ-CP, đã có quy định cụ thể và tương đối đầy đủ để xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là áp dụng thật nghiêm minh các chế tài hình sự, thay vì chỉ xử phạt hành chính.
Cụ thể, Điều 317 Bộ luật Hình sự quy định:
“Người sản xuất, chế biến hoặc cung cấp thực phẩm gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Đồng thời, cần xem xét áp dụng các biện pháp tịch thu toàn bộ lợi nhuận bất hợp pháp, đình chỉ hoạt động kinh doanh dài hạn, và công khai danh tính trên phương tiện truyền thông để tăng tính răn đe trong cộng đồng.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng: “Đây là hành vi có tính giết người thầm lặng, không thể tiếp tục xử lý nhẹ tay như lỗi hành chính thông thường. Việc mạnh tay khởi tố hình sự một số vụ điển hình sẽ tạo hiệu ứng cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra đột xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, và bảo vệ người tố giác thực phẩm bẩn, coi đây là nhiệm vụ sống còn trong bảo vệ an toàn thực phẩm quốc gia. Thực phẩm bẩn đang ngày càng trở thành hiểm họa, phá vỡ niềm tin của người tiêu dùng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trong cuộc chiến này, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ là quan trọng - mà mang yếu tố quyết định”.
Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010, Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể cho ba bộ chính: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương - tương ứng với ba công đoạn của chuỗi thực phẩm: sản xuất, chế biến - vận chuyển, lưu thông - tiêu dùng.
Khoản 2 Điều 62 Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: “Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn tình trạng phân tán quản lý, thiếu phối hợp, và thậm chí buông lỏng kiểm tra định kỳ, đột xuất ở nhiều địa phương. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho thực phẩm bẩn hoành hành.
Để xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần: Tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm minh, đặc biệt với các cơ sở tái phạm nhiều lần; Ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Công khai danh sách vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng; Thúc đẩy phối hợp liên ngành và xử lý hình sự nghiêm khắc với các vụ gây hậu quả lớn (theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015).
Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng không chỉ là người “cầm cân nảy mực” mà còn là “lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng. Nếu để thực phẩm bẩn trôi nổi, đó không chỉ là lỗi của các cá nhân, doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm quản lý còn chưa nghiêm minh, chặt chẽ. Xử lý thực phẩm bẩn không thể chỉ bằng tuyên truyền, càng không thể dựa vào ý thức của người bán. Đã đến lúc nhà nước cần hành động mạnh tay hơn - với vai trò chủ đạo, chủ động và chịu trách nhiệm đến cùng”.
Ngọc Trâm