Ca sĩ Quang Hùng MasterD (sinh năm 1997 ở Huế) sớm nổi tiếng tại Thái Lan và mở rộng sang Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc khi bài hát Dễ đến dễ đi của anh được nhiều người cover, hiện có hơn 70 triệu lượt xem trên YouTube. Tháng 3.2024, Quang Hùng đoạt giải Nghệ sĩ trẻ triển vọng - Asia Top Awards, tổ chức tại Thái Lan.
Về Việt Nam tham gia chương trình Anh trai “say hi” 2024, Quang Hùng là 1 trong 5 cái tên của chiến thắng chung cuộc “Nhóm nhạc toàn năng Anh trai Best 5”.
Ra đường: sợ, lên sân khấu: run
Chia sẻ trong chương trình “2 ngày 1 đêm” và chuyên trang giải trí Ngôi Sao, Quang Hùng cho biết anh bị bệnh rối loạn thần kinh thực vật. “Cách đây 9 năm tôi bị bệnh này do ở trong phòng làm nhạc DJ quá nhiều. Đến một ngày tôi đi bệnh viện đo điện tâm đồ thì bác sĩ nói tôi bị rối loạn thần kinh thực vật”, Quang Hùng kể.
Nam ca sĩ không biết mắc bệnh từ lúc nào, chỉ nhớ một ngày đi ra đường bỗng nhiên sợ mọi thứ, không dám gặp đám đông. Vào phòng thu cảm thấy bức bối. Làm nhạc chừng hai tiếng là xây xẩm đầu óc. Cầm micro lên sân khấu là sợ, tay run, hụt hơi…
“Đỉnh điểm là đêm đó tôi mệt quá không chịu được phải nhập viện. Bác sĩ khuyên phải tạm dừng làm nhạc lại. Lý do mắc bệnh là vì tôi ở nhà làm nhạc quá nhiều, ít ra đường tiếp xúc mọi người, nó như bệnh trầm cảm. Bệnh này đôi khi người ta tưởng tôi giả vờ, sáng thấy tôi đang tươi cười, tối lại thấy tôi khác đi”, Quang Hùng nói.
Quang Hùng MasterD: “Đây là tâm bệnh nên tôi biết phải đẩy lùi từ tâm mình”. Ảnh: CTV
Cố gắng tập thể dục, thức dậy sớm, uống thuốc bắc, thuốc nam nhưng bệnh vẫn không bớt. Quang Hùng quyết định chuyển từ Huế vào Sài Gòn sinh sống. “Tôi tự nói với chính mình phải sẵn sàng đối mặt, chiến đấu với bệnh. Càng sợ thì nỗi sợ càng tăng. Có lẽ do tôi chai lỳ nên không còn sợ gì. Tôi biết cách tự an ủi bản thân nên bệnh cũng đỡ dần”, Quang Hùng kể.
Hiện bệnh của nam ca sĩ đã cải thiện khoảng 80%. Đôi lúc vô thức anh vẫn sợ đám đông, lên sân khấu cũng có lo lắng nhưng không nhiều. “Bây giờ tôi không uống thuốc nữa mà tự điều trị bằng âm nhạc. Buổi tối đi ngủ tôi hay mở nhạc du dương cho đầu óc thoải mái. Vì đây là tâm bệnh nên tôi biết phải đẩy lùi từ tâm mình", Quang Hùng nói.
Do đâu rối loạn thần kinh thực vật?
BS-CK2. Nguyễn Thị Phương Nga
BS-CK2. Nguyễn Thị Phương Nga (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM), cho biết hệ thần kinh tự chủ bao gồm hệ thần kinh giao cảm, phó giao cảm phân bố đến toàn bộ sợi trục thần kinh và đến tất cả các hệ cơ quan. Chúng hoạt động đối lập nhưng cân bằng với nhau giúp điều hòa hệ tim mạch (huyết áp, nhịp tim…), hệ tiêu hóa, niệu dục, hệ thần kinh, điều hòa tiết mồ hôi, cơ vòng, thân nhiệt…
“Rối loạn thần kinh thực vật là sự tổn thương hệ thần kinh giao cảm hoặc phó giao cảm dẫn đến mất cân bằng hoạt động giữa hai hệ thống này. Hệ thần kinh thực vật hoạt động tự động, do đó mọi người chỉ nhận ra tầm quan trọng khi chức năng của nó bị tổn thương, dẫn đến rối loạn hoạt động nhiều cơ quan”, BS. Nga giải thích.
BS-CK2. Trần Trung Thành (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), cho biết rối loạn thần kinh thực vật do rất nhiều nguyên nhân, có thể do bệnh hoặc do tác dụng không mong muốn của một số thuốc điều trị. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ lớn nhất là ở người có rối loạn tâm lý (stress, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, các rối loạn thần kinh, suy nhược cơ thể kéo dài…); người mắc bệnh mạn tính như Parkinson, teo đa hệ thống…; người mắc các bệnh tự miễn, hội chứng Guillain Barré; người đang sử dụng các thuốc hướng thần kinh; người nghiện rượu...
Đặc biệt, đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài ra, những người ở độ tuổi chuyển tiếp (tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh, mãn dục…) do cơ thể chưa kịp thay đổi để thích ứng nên tổng thể mất đồng bộ cũng dễ gây ra rối loạn thần kinh thực vật.
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo BS. Nga, triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật rất đa dạng. Các triệu chứng thường gặp: hồi hộp, đánh trống ngực (tình trạng này xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi); choáng váng, xây xẩm, khó thở; rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ngủ ngày quá nhiều, rối loạn nhịp thức - ngủ...); rối loạn khí sắc, suy nhược, lo âu, trầm cảm, rối loạn tính tình, rối loạn tác phong…; rối loạn tiết niệu (tiểu khó, bí tiểu, giảm cảm giác buồn tiểu, nước tiểu tồn dư trong bàng quang sau tiểu…); rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, sôi bụng, nôn ói, khó nuốt, ợ nóng…); phản xạ đồng tử giảm làm mắt khó điều tiết khi đi từ vùng sáng vào vùng tối và khó nhìn rõ trong đêm; không thể vận động mạnh (cơ thể không có khả năng thay đổi nhịp tim khi tập thể dục hoặc vận động gắng sức)...
BS-CK2. Trần Trung Thành
Theo BS. Thành, triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Thậm chí trên một số người, các triệu chứng xuất hiện ngắn rồi tự hết nên người bệnh thường bỏ qua, không sớm đến bệnh viện chẩn đoán xác định đúng bệnh.
“Tình trạng này có thể là triệu chứng kèm theo các bệnh lý khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh Parkinson… Tuy nhiên khi xuất hiện đơn độc, người bệnh có các triệu chứng mơ hồ như chóng mặt, mệt mỏi, căng thẳng, hồi hộp, lo sợ; cảm giác khó thở, mất ngủ; có thể kèm rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô, hư móng, giảm hứng thú tình dục…
Vì vậy, khi có các dấu hiệu này người bệnh cần đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng tỉ mỉ, kết hợp xét nghiệm máu và các test thần kinh thực vật để có chẩn đoán, điều trị cụ thể”, BS. Thành lưu ý.
Điều trị và dự phòng
BS. Nga cho biết rối loạn thần kinh thực vật không phải một loại bệnh cụ thể mà là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động do nhiều nguyên nhân. Bệnh thường không gây tử vong nhưng ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như: nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa... từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Điều trị rối loạn thần kinh thực vật bao gồm điều trị các nguyên nhân gây bệnh và điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, có đến 50% trường hợp rối loạn thần kinh thực vật không tìm được nguyên nhân, do đó chỉ điều trị dựa vào cơ quan nào bị ảnh hưởng bởi tổn thương thần kinh thực vật. Điều trị tâm lý phải cân nhắc các loại thuốc khác nhau (chống trầm cảm, an thần nhẹ, điều chỉnh thần kinh thực vật…). Có thể kết hợp phục hồi chức năng với các phương thức vật lý, thể dục. “Trị liệu y học cổ truyền như châm cứu, xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp bệnh nhanh khỏi. Trong mọi trường hợp luôn kết hợp liệu pháp tâm lý và hòa nhập xã hội”, BS. Nga tư vấn.
Theo BS. Thành, rối loạn thần kinh thực vật không cần phải uống thuốc suốt đời mà người bệnh cần được tư vấn cặn kẽ và phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Cùng với sử dụng thuốc, điều quan trọng là nâng cao tinh thần, vì lo lắng có thể làm tăng sự khó chịu, khiến người bệnh cảm thấy bệnh nặng hơn.
BS. Nga cho biết ở người có nguy cơ rối loạn thần kinh thực vật (đái tháo đường, Parkinson, suy giáp, ung thư, di truyền…) có thể phòng ngừa hoặc làm chậm khởi phát và diễn tiến triệu chứng bằng cách chăm sóc tốt sức khỏe chung và kiểm soát tốt các bệnh lý. Nên tham vấn bác sĩ để được tư vấn lối sống khỏe mạnh và kiểm soát bệnh hiện mắc. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc... Phòng ngừa và kiểm soát tốt huyết áp, duy trì cân nặng lý tưởng, luyện tập thể dục thường xuyên, kiểm soát stress, sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.
“Mỗi người cần có suy nghĩ tích cực và lối sống lành mạnh. Tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Được ủng hộ, giúp đỡ và có suy nghĩ tích cực sẽ giúp người bệnh thích nghi và chịu đựng được các thách thức trở ngại”, BS. Nga lưu ý.
Hoàng Khải - Hữu Đức