Tại hội nghị chuyên đề ngày 8/5, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Nguyễn Đức Dũng yêu cầu các địa phương miền núi thực hiện công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tại các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp theo quy định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng
Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 nêu rõ, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng lên; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng tăng.
Công tác tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ người dân tộc thiểu số yên tâm công tác.
Tính đến ngày 31/12/2024, Quảng Nam có 3.030 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (cấp tỉnh 746 người, cấp huyện 1.221 người, cấp xã 1.063 người), chiếm tỷ lệ 10,46% cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Cán bộ là người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là 375 người; điều động, luân chuyển là 25 người…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Dũng đề nghị các cấp ủy, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Trong điều kiện thực hiện tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Dũng lưu ý cần hết sức quan tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ người dân tộc thiểu số từ khâu tuyển dụng, đánh giá đưa vào quy hoạch; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; điều động, luân chuyển để rèn luyện trong các môi trường khác nhau; triển khai thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Ngôi làng của đồng bào Ca Dong tại xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Nam
Tỉnh Quảng Nam có 37 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 91,1%, người Cơ Tu chiếm 3,2%, người Xơ Đăng chiếm 2,7%, người Giẻ Triêng chiếm 1,3%. 29 dân tộc còn lại chỉ chiếm 0,9%.
Chờ hướng dẫn việc hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Sau khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng để thành lập đơn vị hành chính TP Đà Nẵng, thành phố có 3.289 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Với việc từ ngày 1/8 sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nhiều ý kiến đề xuất có chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách.
Trao đổi với PV VietNamNet chiều 8/5, Giám đốc Sở Nội vụ Trình Minh Đức cho biết trước đây, đơn vị có văn bản xin ý kiến để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Phương án Sở Nội vụ đề xuất hỗ trợ cụ thể là: đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã có thời gian công tác 5 năm hỗ trợ 60 triệu đồng/người; từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm hỗ trợ 80 triệu đồng/người; từ đủ 10 năm trở lên là 100 triệu đồng/người.
“Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc nên địa phương tạm dừng phương án hỗ trợ nêu trên để chờ hướng dẫn của Trung ương” - ông Đức cho hay.
Nguyễn Hiền