Ngày 19/2, HĐND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kỳ họp thứ 29, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 20 ngày 14/8/2024 quy định chính sách hỗ trợ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn độ tuổi công tác dưới 1 nhiệm kỳ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn, giai đoạn 2025 - 2029.
Theo đó, nâng mức hỗ trợ cho mỗi đối tượng thụ hưởng chính sách từ ngân sách tỉnh thêm 20% so với mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 20.
Dự toán tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết là hơn 23,24 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện (57 người) là hơn 17,95 tỷ đồng; đối tượng là bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp xã (40 người) sẽ được hỗ trợ gần 5,3 tỷ đồng.
Kỳ họp 29 HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Hà Nam
Nghị quyết này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2029. Các trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị quyết số 20 nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành quyết định hưởng chính sách, chế độ thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại nghị quyết này.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghị quyết mới này nhằm đảm bảo tính khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, phù hợp với quy định tại Nghị định số 177/2024 và tình hình hiện nay.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng thông qua Nghị quyết về việc thành lập, hợp nhất, sáp nhập 7 cơ quan thuộc UBND tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy.
Cụ thể, hợp nhất Sở Xây dựng với Sở GTVT thành Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Tài chính với Sở KH&ĐT thành Sở Tài chính; hợp nhất Sở KH&CN với Sở TT&TT thành Sở KH&CN; hợp nhất Sở NN&PTNT với Sở TN&MT thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Nội vụ với Sở LĐ-TB&XH thành Sở Nội vụ.
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tỉnh tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ; sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh.
Sau sắp xếp, Quảng Nam giảm được 6 đơn vị cấp sở.
319 công chức, cán bộ, người lao động ở Thái Bình xin nghỉ công tác
Ngày 19/2, tại kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua các nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
HĐND tỉnh Thái Bình tổ chức kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo quy định tại Nghị định số 178/2024, ngoài chính sách, chế độ của Chính phủ quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc có đơn tự nguyện và nộp hồ sơ theo các đợt từ ngày 20/2 - 20/3, 21/3 - 31/5, 1/6/2025 - 20/2/2026 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh một lần lần lượt bằng 30%, 20%, 10% mức trợ cấp theo Nghị định 178/2024.
Chiều cùng ngày, tại hội nghị công bố nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công tác cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 319 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện xin nghỉ công tác theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh.
Trong số đó có 24 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: 6 giám đốc sở và tương đương; 18 phó giám đốc sở, ngành và tương đương; 100 người đang giữ chức trưởng, phó phòng.
Hà Nam
Trọng Tùng