Quảng Nam ưu tiên đầu tư cho các trường Trung học phổ thông

Quảng Nam ưu tiên đầu tư cho các trường Trung học phổ thông
6 giờ trướcBài gốc
Trong năm 2024, Quảng Nam cũng đã đầu tư, hoàn thiện nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Nhiều trường rớt chuẩn
Theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, tổng số trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) của cả tỉnh hiện nay là 54 trường, với hơn 48,6 nghìn học sinh được phân bố tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; trong đó, huyện miền núi cao ít nhất 2 trường, đồng bằng từ 3 - 5 trường. Tuy nhiên hiện nay thực trạng cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh rất yếu, mới có 18% đạt chuẩn; số trường quá niên hạn sử dụng, xuống cấp, không đủ diện tích khá nhiều.
Theo số liệu thống kê năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 573/725 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79%. Trong đó, mầm non có 186 trường (tỷ lệ 82,3%); tiểu học 198 trường (tỷ lệ 87,2%); THCS 166 trường (tỷ lệ 76,1%) và THPT 23 trường (tỷ lệ 42,6%). Tuy nhiên, mới đây, qua rà soát, con số này chỉ còn lại 406 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 56%), giảm 167 trường. Trong số đó, bậc mầm non: 146 trường (rớt chuẩn: 40 trường), Tiểu học: 130 trường (rớt chuẩn: 68 trường), THCS: 121 trường (rớt chuẩn: 45) và THPT: 9 trường (rớt chuẩn: 14 trường).
Từ thực trạng này, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 để đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ. Mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ các trường THPT tỉnh Quảng Nam được xây dựng kiên cố; các khối phòng học tập, hỗ trợ học tập, phụ trợ, thể thao, hạ tầng kỹ thuật… đạt chuẩn mức độ 1, 2.
Cụ thể, có 51 dự án đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm dự án thành lập 1 trường mới (Trường THPT Điện Thắng Tây, vùng đông thị xã Điện Bàn); chuyển đổi và xây mới 1 trường (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn); mở rộng diện tích, xây thêm phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ (49 trường) với tổng mức đầu tư đề án là 1.328 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh 1.249 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp huyện hơn 79 tỷ đồng…
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn
Cũng liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất trường THPT đạt chuẩn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc các Sở, ngành về kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trường THPT đạt chuẩn.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã rà soát nhu cầu tối thiểu của các trường THPT chưa đạt chuẩn hoặc hết hạn đạt chuẩn quốc gia để công nhận, công nhận lại trong năm 2025. Theo đó, để đảm bảo tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao, trong năm 2025 các trường THPT tại các huyện Đại Lộc, Núi Thành, Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh cần được đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất đạt chuẩn.
Đối với huyện nông thôn mới, chỉ tiêu 5.3 (tiêu chí 5) quy định tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên phải bằng hoặc trên 60%. Qua rà soát, các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn, Núi Thành có 11 trường THPT, đến nay chỉ có Trường THPT Chu Văn An đạt chuẩn. Nhằm đảm bảo tiêu chí, Sở GD-ĐT đề xuất danh mục đầu tư cơ sở vật chất của các trường Đỗ Đăng Tuyển, Huỳnh Ngọc Huệ (huyện Đại Lộc); Trần Đại Nghĩa, Quế Sơn, Nguyễn Văn Cừ, Nông Sơn (huyện Quế Sơn và Nông Sơn); Nguyễn Huệ, Cao Bá Quát (huyện Núi Thành). Tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 53,3 tỷ đồng.
Đối với huyện nông thôn mới nâng cao, chỉ tiêu 5.4 (tiêu chí 5) quy định 100% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Qua rà soát, các huyện Duy Xuyên và Phú Ninh có 7 trường THPT, trong đó có 3 trường đang đạt chuẩn là Nguyễn Dục, Nguyễn Hiền, Sào Nam. Sở GD-ĐT đề xuất danh mục 5 trường cần đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu được công nhận, gồm Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Sào Nam, Lê Hồng Phong, Hồ Nghinh. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 32 tỷ đồng.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn thống nhất với Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 – 2030 cũng như danh mục đề xuất đầu tư các trường đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đề nghị không đưa vào danh mục xây dựng khu giáo dục thể chất Trường THPT Nông Sơn (kinh phí 5 tỷ đồng). Do hạng mục đầu tư này sẽ sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau khi sáp nhập huyện Nông Sơn vào Quế Sơn.
Đồng thời, lưu ý Sở GD-ĐT rà soát lại vấn đề quy hoạch đối với các dự án thành lập trường mới, đầu tư xây dựng mới phải toàn diện, đồng bộ; phân kỳ đầu tư đảm bảo tính hợp lý, phục vụ yêu cầu trường chuẩn. Đối với các Sở, ngành theo chức năng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan để sớm triển khai kế hoạch theo đúng tiến độ…
Lê Hải
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/quang-nam-uu-tien-dau-tu-cho-cac-truong-trung-hoc-pho-thong-post306085.html