Chị Nguyễn Thị Nhị đang chăm sóc con trai Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Tấn Thành.
Cuộc đời chị Nguyễn Thị Nhị từ nhỏ đã nhiều thăng trầm. Năm 24 tuổi, chị lập gia đình và có một người con trai tên Nguyễn Quang Dũng (SN 2008). Cuộc sống gia đình đang êm thuận thì gần một năm sau, tai họa bất ngờ ập đến. Con chị không thể bò hoặc đi những bước chập chững đầu đời. Thế là chị bồng con xuống bệnh viện thăm khám, điều trị thì các bác sĩ kết luận con trai chị bệnh teo cơ bẩm sinh.
“Lúc đó, tôi như sét đánh ngang tai, không thể nào hình dung ra được khi con mình phải chịu đựng được căn bệnh này suốt cả cuộc đời. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Vài năm sau, chồng tôi không chịu nổi cực khổ đã rời bỏ mẹ con tôi đi lấy vợ khác”, chị Nhị tâm sự và cho biết thêm, vì thương con, chị cố gắng làm nhiều công việc nặng nhọc để nuôi con. Nhiều lúc thấy những đứa trẻ trong thôn xóm chạy nhảy, vui chơi hoặc cắp sách đến trường mà chị đau xót thương con.
Chia sẻ về căn bệnh của con trai, chị Nhị kể, 17 năm qua, chị chưa bao giờ có giấc ngủ ngon, bởi từ lúc sinh Dũng ra đã mắc bệnh tật, chị đã khóc rất nhiều, nhưng vì quá thương con, với ý chí của một người mẹ, chị hằng ngày vẫn vượt qua số phận để đem lại sự yêu thương, chăm sóc cho con trai.
Cháu Nguyễn Quang Dũng khó khăn khi cất tiếng nói. Ảnh: Chí Đại.
“Hiện nay, cuộc sống của hai mẹ con tôi chỉ biết dựa vào khoản tiền trợ cấp bảo trợ xã hội cho người khuyết tật hơn 1 triệu đồng/tháng. Nhưng số tiền này không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, chưa tính tới tiền thuốc và ăn uống hằng ngày của Dũng. Để có tiền trang trải, tôi thường tranh thủ những lúc Dũng ngủ hoặc nằm chơi, nhận thêm công việc về nhà làm như may, sửa quần áo”, chị Nhị tâm sự và nói chiếc máy may cũ này là phương tiện giúp chị kiếm thêm thu nhập từ 30 đến 50 nghìn đồng mỗi ngày, có khi đang may, Dũng lại lên cơn co giật, chị phải bỏ hết việc lại. Mấy năm nay, nghề may vá cũng ít khách, có ngày chị chẳng kiếm được đồng nào.
“Mỗi lần thiếu tiền mua thuốc cho con, tôi lại đi vay mượn bà con, hàng xóm, dù mọi người biết tôi không có tiền trả cho họ sớm, nhưng vì tình thương và hiểu được hoàn cảnh của tôi nên bà con chia sẻ, giúp đỡ 2 mẹ con tôi. Đêm khuya, khi cả xóm đã tắt đèn, tôi vẫn lặng lẽ ngồi trước chiếc máy may, khâu thêm vài bộ đồ thuê để kiếm chút tiền mua sữa cho con trai. Hiện niềm vui của tôi là mỗi lần được nghe con trai gọi 2 chữ "Mẹ ơi", là nước mặt tôi lại chảy xuống, dù tôi biết mọi chuyện phía trước còn khó khăn, vất vả đang chờ đợi, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua, chăm sóc cho con”.
Em Nguyễn Quang Dũng rất khó khăn trong việc giao tiếp, vì vậy có thấy người đến thăm, hỏi về tình hình sức khỏe, Dũng chỉ biết nói lời cảm ơn. Tiếp lời con trai, chị Nhị nói: “Dũng chỉ mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ 2 mẹ con xây dựng được một ngôi nhà kiên cố để có chỗ che mưa nắng, giờ ngôi nhà chỉ được dựng tạm bằng vài tấm gỗ và lợp tấm bạt nên mỗi khi vào mưa bão thì 2 mẹ con rất lo sợ”.
Ngôi nhà gỗ được dựng tạm bợ là che mưa, nắng của mẹ con chị Nhị. Ảnh: Tấn Thành.
Chia sẻ về hoàn cảnh này, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lộc cho biết: “Hoàn cảnh của 2 mẹ con chị Nhị đặc biệt khó khăn ở địa phương. 17 năm qua, một mình chị phải nuôi cháu Dũng bị bệnh teo cơ bẩm sinh nằm một chỗ nên thấy hoàn cảnh mà xót thương. Căn nhà gỗ của 2 mẹ con được dựng tạm trên đất công ích của xã nhưng muốn xây dựng nhà cũng không được. Chính quyền xã mong muốn các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ giúp đỡ mẹ con chị Nhị vượt qua khó khăn này”.
Tấn Thành - Chí Đại