Quảng Ngãi hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Quảng Ngãi hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số
2 giờ trướcBài gốc
Quảng Ngãi hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS (Ảnh: Báo Nhân dân)
Ngày 1/2/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về Việc triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2024. Theo Kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, cụ thể: giải quyết đất ở cho 411 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.683 hộ, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 225 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 892 hộ.
Việc thực hiện Chương trình được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, giúp công tác phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Dựa trên các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định và Kế hoạch về giao kế hoạch vốn, quy định cơ chế, nội dung chi, mức chi, quy trình, thủ tục, và tổ chức triển khai Chương trình.
UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh đảm nhiệm vai trò là cơ quan thường trực Chương trình, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và UBND các huyện vùng DTTS và miền núi để triển khai hiệu quả các mục tiêu hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho người dân. Nhiệm vụ chính của Ban Dân tộc tỉnh là giám sát, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo cấp đất ở, hỗ trợ xây dựng nhà ở và cung cấp đất sản xuất cho các hộ dân thuộc diện hỗ trợ theo đúng kế hoạch. Ban Dân tộc tỉnh cũng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nếu có, để UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời; đồng thời, báo cáo định kỳ và đột xuất cho UBND tỉnh và Trung ương về tiến độ và hiệu quả thực hiện.
Các sở, ban, ngành và hội đoàn thể tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện hiệu quả các nội dung hỗ trợ nhà ở và đất ở, dựa trên chức năng nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 08/8/2022 và các quyết định bổ sung, cùng với Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 18/02/2022 của Trưởng Ban chỉ đạo. UBND các huyện đã rà soát các hộ có nhu cầu, tiến hành phân bổ đất và triển khai xây dựng, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng hỗ trợ. Ngoài ra, UBND cấp huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Dân tộc tỉnh để kịp thời xử lý các vướng mắc.
Để đảm bảo việc triển khai các chính sách hỗ trợ được thực hiện hiệu quả và đến đúng đối tượng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đóng vai trò quan trọng trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận tỉnh không chỉ theo dõi việc phân bổ nguồn lực, mà còn tham gia vào việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc sử dụng đất ở, nhà ở và đất sản xuất. Nhờ sự tham gia tích cực của Mặt trận, quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS trở nên minh bạch, đảm bảo rằng mọi chính sách được thực hiện đúng mục tiêu và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024, xây dựng kế hoạch năm 2025 thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tổng số vốn giao thực hiện Dự án 1 là 136.476 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 122.676 triệu đồng (vốn đầu tư: 63.880 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 58.796 triệu đồng); ngân sách địa phương là 13.800 triệu đồng (vốn đầu tư: 7.343 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 6.457 triệu đồng). Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay là: ngân sách Trung ương là 7.775 triệu đồng, tỷ lệ 6,34% (vốn đầu tư: 5.821 triệu đồng, tỷ lệ 9,11%; vốn sự nghiệp: 1.954 triệu đồng, tỷ lệ 3,32%) và ngân sách địa phương là 1.628 triệu đồng, tỷ lệ 11,8% (vốn đầu tư: 842 triệu đồng, tỷ lệ 11,47%; vốn sự nghiệp: 786 triệu đồng, tỷ lệ 12,17%). Đối với nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã cho vay 45,930 tỷ đồng/1.112 hộ, cụ thể có 1.011 hộ được vay 40,340 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, tổng dư nợ là 45,326 tỷ đồng, trong đó, dư nợ 40,352 tỷ đồng đối với 1.012 hộ xây dựng nhà ở.
Cũng theo Báo cáo, tính đến 23/7/2024, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 1.011 hộ, tỷ lệ đạt được so với chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 53,44%; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 514 hộ, tỷ lệ đạt được so với chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 17,95%. Dự kiến mục tiêu năm 2025 đối với nội dung hỗ trợ nhà ở là 881 hộ.
Thực hiện Dự án 1, huyện Sơn Hà đã phê duyệt, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.180 hộ nghèo. Riêng năm 2023, huyện đã phân bổ kinh phí trên 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho gần 200 hộ nghèo trên địa bàn. Trong 2 năm (2024 - 2025) huyện tiếp tục phê duyệt đối với các đối tượng trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện; giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục rà soát bổ sung để đảm bảo hộ nghèo có nhà ở kiên cố. Riêng xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, trong năm 2023 có 20/90 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng, nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Để hỗ trợ xây dựng nhà ở đạt chuẩn theo quy định, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tích cực hỗ trợ người nghèo được vay vốn theo Nghị định 28 của Chính phủ với số tiền giải ngân là 11 tỷ đồng. Ngoài cho vay xây dựng nhà ở, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sơn Hà cũng được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề. Trong năm qua, toàn huyện có 232 hộ nghèo đồng bào DTTS vay 10,2 tỷ đồng. Việc hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, nguồn vốn đa dạng sinh kế, không chỉ giúp đồng bào DTTS trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Riêng trong 2 năm (2022 và 2023), huyện Sơn Tây đã khởi công đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành 85 công trình; hỗ trợ xây dựng 264 nhà cho hộ khó khăn về nhà ở. Từ nguồn vốn đã được giải ngân hơn 135 tỷ đồng từ Chương trình, huyện Ba Tơ hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS xây dựng 134 nhà và thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ. Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành đã tiến hành giải ngân cho 2 hộ làm nhà ở với số tiền 80 triệu đồng.
Tại huyện Trà Bồng, trong năm 2022 - 2024, huyện đã thực hiện hỗ trợ 239 nhà ở cho hộ nghèo, đồng bào DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có 72 hộ được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc triển khai Chương trình tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là về tiến độ giải ngân vốn, tỷ lệ giải ngân vốn giai đoạn 2021 - 2024 còn thấp, đạt 49,2% (vốn đầu tư công đạt 75,8%, vốn sự nghiệp đạt 23,7%). Bên cạnh đó, việc khảo sát, rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình của các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện chưa sát nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện. Việc phân khai chi tiết vốn cũng như việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đảm bảo điều kiện bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công của các đơn vị được giao vốn còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch sử dụng đất dẫn đến công tác triển khai các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Tình trạng này không chỉ làm chậm tiến độ xây dựng các công trình, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, khiến một số hộ dân chưa được hưởng lợi kịp thời từ các chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, và đất sản xuất.
Nhằm khắc phục những khó khăn này, đối với nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quy định thực hiện theo Điều 16 Luật Đất đai năm 2024; bố trí nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất từ nguồn kinh phí sự nghiệp. UBND tỉnh cũng đề xuất Trung ương giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Chương trình gắn với nguồn lực phù hợp, không giao vốn sự nghiệp theo lĩnh vực. Trao quyền cho địa phương phân bổ chi tiết các nguồn vốn (đầu tư, sự nghiệp) đảm bảo hoàn thành các mục tiêu được giao kèm theo cơ chế linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, điều chỉnh vốn sự nghiệp từ dự án thành phần này sang dự án thành phần khác nhằm nâng cao khả năng sử dụng vốn. Có cơ chế cho phép chuyển nguồn vốn thực hiện Chương trình hàng năm sang năm sau tiếp tục thực hiện và giải ngân cho đến hết giai đoạn.
Hồng Nhung
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/quang-ngai-ho-tro-nha-o-dat-o-dat-san-xuat-chuyen-doi-nghe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-58980.html