Quảng Ngãi - Kon Tum cùng chung vận mệnh

Quảng Ngãi - Kon Tum cùng chung vận mệnh
4 giờ trướcBài gốc
Núi sông liền một dải
Nếu ai đó có dịp rong ruổi trên các cung đường Đông Trường Sơn, Quốc lộ 24, các đường mòn, lối mở hay các sông, suối nối liền các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi) với huyện Kon Plông (Kon Tum) thì chắc hẳn sẽ phải thừa nhận, ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh chỉ là tương đối, còn với tự nhiên thì không hề có “ranh giới” nào cả. Người Quảng Ngãi thường tự hào và gửi gắm biết bao ân tình vào các dòng sông quê hương mình và chắc chắn một điều ai cũng hiểu, nếu như không có đại ngàn trùng điệp ở Kon Plông, mà người Kon Tum gọi là dãy Đắc Tơ Rôn, thì sẽ không có sông Re, sông Ring, sông Tang, sông Xà Lò, càng không có sông Trà Khúc, dòng sông “mẹ” của Quảng Ngãi. Không có lưu vực sông Trà Khúc thì sẽ không có các nhà máy thủy điện lớn ở tỉnh Quảng Ngãi; không có hồ chứa nước Nước Trong, một trong 10 hồ chứa nước thủy lợi lớn nhất nước. Trên tất cả sẽ không có các đô thị, làng mạc sầm uất dọc các dòng sông, mà nguồn nước mát lành, chủ yếu được khởi nguyên từ các dãy núi phía đông bắc Kon Tum đổ về.
Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum chụp hình lưu niệm tại Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức ở huyện Kon Plông (Kon Tum) ngày 15/4/2025. Ảnh: BÁ SƠN
Người Kon Tum, dù là các dân tộc bản địa, như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm hay các dân tộc khác mới định cư sau này, như: Mường, Nùng, Tày, Thái, Sán Dìu, Sán Chay, Kờ Ho, Khơ Me, Chăm, Ê Đê, Cà Tu, Dao... chắc ai cũng hiểu, con đường ngắn nhất để xuống miền duyên hải, vươn ra biển cả, không phải là đường Đông Trường Sơn, Quốc lộ 14 hay 19... mà chính là Quốc lộ 24. Trong ca dao có câu: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên".
Cùng chung vận mệnh
Nếu như trong địa - tự nhiên, Quảng Ngãi, Kon Tum “núi sông liền một dải”, thì trong địa-chính trị, Quảng Ngãi, Kon Tum là “anh em cùng chung vận mệnh”. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một thanh niên tên Hiếu, quê ở huyện Ba Tơ lên vùng rừng núi Kon Plông khai khẩn ruộng hoang, mở làng, lập ấp. Bỗng một ngày, quân giặc kéo đến chiếm nương, phá rẫy, Hiếu cùng bà con trong làng, chủ yếu là dân tộc Mơ Nâm, tổ chức kháng chiến và anh dũng hy sinh. Người làng nhớ ơn Hiếu, đặt cho vùng đất họ sống là “đất của Hiếu”, ngày nay là xã Hiếu và xã Pờ Ê, huyện Kon Plông.
Noi gương Hiếu, nhiều người con của quê hương Quảng Ngãi đã vì Kon Tum mà hiến dâng cả thanh xuân và máu của mình. Cách đây tròn 100 năm, năm 1925 phong trào Nước Xu đỏ chống thực dân Pháp xâm lược của các dân tộc Tây Nguyên bùng nổ, lôi cuốn đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Ngãi tham gia, khiến quân Pháp nhiều phen bạt vía, kinh hồn. Cũng cách đây hơn 90 năm, tháng 6/1931, 3 chiến sĩ cộng sản người Quảng Ngãi là Trương Quang Trọng, Hồ Độ, Lê Trọng Kha, trong đó Trương Quang Trọng là Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau này, bị thực dân Pháp bắt, đày lên ngục Kon Tum. Tại đây, đồng chí Trương Quang Trọng đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết với cai ngục Pháp nhằm chống chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp và tay sai. Sự hy sinh của đồng chí Trương Quang Trọng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, đồng đội càng siết chặt đội ngũ, kiên cường đấu tranh với khẩu hiệu “chết cho sự sống”, “chết một người để cứu muôn người”, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Kon Tum chống thực dân Pháp và tay sai.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Quảng Ngãi là vùng tự do, hậu phương của các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên. Đây là những năm tháng các đội vũ trang công tác của tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên có mặt khắp các thôn, xóm thuộc các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Plông... xây dựng phong trào cách mạng. Tháng 10/1951, Liên Khu ủy 5 quyết định thành lập Mặt trận Miền Tây, bao gồm toàn bộ tỉnh Kon Tum và 4 huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi). Mặt trận Miền Tây tồn tại đến ngày Hiệp định Giơnevơ ký kết (7/1954). Đây là thời kỳ đỉnh cao của tình đoàn kết, chiến đấu “anh em cùng chung vận mệnh” của Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum. Từ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Mặt trận Miền Tây, quân và dân 2 tỉnh đã đánh bại cuộc hành quân La-tê-rít (5/1952), kế hoạch Át lăng (1953 - 1954) của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng tỉnh Kon Tum (2/1954)- tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Quảng Ngãi và Kon Tum là một trong những chiến trường ác liệt, nơi diễn ra các trận quyết chiến chiến lược, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nếu như Quảng Ngãi có Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây (1959), mở đầu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, có chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường (1965), góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, thì Kon Tum có chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (1972), góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973).
Đặc biệt, trong 30 năm (1945 - 1975) tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi đã sống, chiến đấu, trưởng thành, nhiều người là cán bộ lãnh đạo, người chỉ huy cao nhất của Tỉnh ủy và của lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum. Tiêu biểu như đồng chí Võ Bẩm (quê xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) là Phân khu trưởng Phân khu 15, bao gồm tỉnh Kon Tum và các huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, Quảng Nam (1/1947); đồng chí Trương Quang Tuân (quê xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) là Bí thư Ban Cán sự Mặt trận Miền Tây, bao gồm tỉnh Kon Tum và các huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi (1952). Các đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum như, đồng chí Nguyễn Liên (quê xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh), Bí thư Tỉnh ủy năm 1954 - 1955; đồng chí Trần Kiên (quê xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1955 - 1961; đồng chí Phan Phụ (quê phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi), Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1961 - 1965 và từ năm 1968 - 1975. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Chánh (quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1953 - 1954)... và hàng vạn cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân công hỏa tuyến đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường Kon Tum, trong đó không ít người đã anh dũng hy sinh, được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhịp cầu cho hiện tại và tương lai
Sau ngày đất nước thống nhất, hàng chục nghìn người dân Quảng Ngãi đã lên Kon Tum sinh sống, lập nghiệp. Nửa thế kỷ trôi qua, nhiều đô thị, làng mạc ở Kon Tum, nhất là huyện Sa Thầy, đã được nhiều thế hệ người Quảng Ngãi dày công xây đắp, trở nên sầm uất, trù phú, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thi hào Victor Hugo từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Điều đó cũng có nghĩa là lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà quan trọng hơn, lịch sử là nhịp cầu nối cái đã qua với hiện tại và cả tương lai. Quảng Ngãi - Kon Tum đã từng có một quá khứ hào hùng, không chỉ là một phần của lịch sử mà đã trở thành vận mệnh. Và một khi đã là vận mệnh thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, ngày 19/4/1946, rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Quảng Ngãi, Kon Tum trong lịch sử đã là như thế!
CHÂU TỨ
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/quang-ngai-kon-tum-cung-chung-van-menh-2910155/