Tự hào những chiến sĩ đặc công Rừng Sác

Tự hào những chiến sĩ đặc công Rừng Sác
3 giờ trướcBài gốc
Tượng đài Chiến sĩ đặc công Rừng Sác trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác.
Dấu ấn huyền thoại giữa rừng ngập mặn
Rời trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, vượt qua phà Bình Khánh rồi tiếp tục hành trình thêm hơn 40 km, chúng tôi đặt chân tới Rừng Sác - một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng với người dân Việt Nam, Rừng Sác còn mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn: Vùng đất oai hùng, thấm đẫm mồ hôi, máu xương và chiến công lừng lẫy của những chiến sĩ đặc công. Chiến tranh đã từng biến nơi đây thành “vùng đất chết” khi kẻ địch trút xuống hàng vạn tấn bom đạn và chất độc hóa học. Vậy mà giữa bùn lầy, lau sậy, những người lính đặc công Rừng Sác đã bám trụ, lập nên bao kỳ tích oai hùng.
Tại khu di tích, anh Đặng Văn Hiệp, người gắn bó hàng chục năm với công tác thuyết minh, đưa chúng tôi trở về với những tháng năm lịch sử. Theo anh Hiệp, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác, với mật danh T10 - Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác; giao nhiệm vụ thọc sâu, bám trụ, tiến công liên tục vào các kho, bến cảng, cơ quan đầu não của địch. “Khi ấy, tổng quân số đặc công khoảng 1.000 người, là con em từ 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong quá trình chiến đấu, 915 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó 542 người mất tích vì bom đạn, cá sấu”, anh Hiệp xúc động. Rồi anh hồ hởi điểm những chiến công: 595 trận đánh lớn nhỏ, 356 tàu thuyền địch bị đánh chìm, 6.200 tên địch bị tiêu diệt, 29 máy bay trực thăng bị bắn rơi... Trong số đó, có những trận đánh đã trở thành huyền thoại làm chấn động Sài Gòn và cả thế giới, góp phần vào Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Điển hình là trận đánh tàu Victory (23/8/1966): địch dùng tàu Victory chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; hai máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm... cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966- 1967. Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo, trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn để bí mật gài thủy lôi đánh chìm tàu Mỹ xuống lòng sông Lòng Tàu.
Đối với trận tập kích táo bạo vào Dinh Độc Lập, đặc công Rừng Sác đã nã thẳng vào lễ đài nơi Tổng thống và quan chức địch đang dự lễ Quốc khánh chế độ Sài Gòn (sáng 4/11/1966), khiến quân địch hoảng loạn tột độ. Rồi trận đánh căn cứ Thành Tuy Hạ (kho bom đạn khổng lồ của Mỹ) năm 1972 - một chiến công được ví như “kỳ tích” làm rung chuyển cả bàn đàm phán Paris. Nổi bật nhất là trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973, được xem là trận đánh chấn động cả thế giới. Kho xăng Nhà Bè khi đó là nơi cung ứng tới 60% nhu cầu xăng dầu quân sự cho địch ở miền nam, được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt, bao quanh bởi 12 lớp hàng rào kẽm gai, tường bê-tông cao hơn 3m, giữa các lớp rào còn gài mìn và thả chó canh tuần tra. Thế nhưng, bằng sự mưu trí dũng cảm của các chiến sĩ đặc công, toàn bộ khu kho chìm trong biển lửa trong suốt 12 ngày đêm, khiến Mỹ - ngụy hoàn toàn bất lực.
Những chiến công ấy đã biến đặc công Rừng Sác thành “nỗi ám ảnh” thường trực của kẻ thù. Dù địch điên cuồng truy quét, tàn sát, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Truyền lửa cho thế hệ mai sau
50 năm sau Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, những chiến công của bộ đội đặc công Rừng Sác năm xưa vẫn mãi khắc sâu trong trái tim của biết bao thế hệ người Việt Nam. Giờ đây, tất cả những năm tháng chiến đấu của họ đều được tái hiện lại tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác.
Giữa không gian trầm mặc của khu di tích, chúng tôi gặp ông Đỗ Minh Thong (quê Hải Dương), người từng tham gia chiến đấu tại Rừng Sác từ năm 17 tuổi. Ngồi lặng bên gốc cây già, ông Thong xúc động kể về những tháng ngày ngâm mình dưới nước, bơi trườn giữa rừng ngập mặn, đối mặt với cá sấu, bom đạn: “Ngày ấy, địa hình hiểm trở, nguy hiểm luôn rình rập. Thế nhưng, ai cũng sẵn lòng, gian khó nào cũng vượt qua vì Tổ quốc”. Trong làn khói hương nghi ngút tại Đài tưởng niệm, ông Đồng Quảng Toan (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 9, Quận 3) nghẹn ngào: “Chúng tôi thấy mình may mắn vì còn sống để chứng kiến đất nước thanh bình. Nhưng cũng không quên những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Tôi mong các thế hệ hôm nay và mai sau hãy luôn khắc ghi và biến sự tự hào ấy thành động lực để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Với anh Đặng Văn Hiệp và những người làm công tác thuyết minh tại khu di tích, mỗi ngày trôi qua là một ngày tiếp lửa ký ức. Anh tâm sự: “Chúng tôi luôn tự nhắc mình phải kể lại thật trung thực, sinh động những câu chuyện về đặc công Rừng Sác, để các bạn trẻ hôm nay hiểu, trân trọng và tiếp bước truyền thống của cha ông”.
Bài và ảnh: VƯƠNG LÊ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tu-hao-nhung-chien-si-dac-cong-rung-sac-post876080.html