Bên cạnh đó, các kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh tại 13 đơn vị hành chính cấp huyện cũng đã hoàn thành đúng thời gian và hoàn toàn tuân thủ các quy định pháp lý, mở ra một hành lang pháp lý rõ ràng giúp thu hút đầu tư, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho việc giao đất, cho thuê đất theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đáng chú ý, công tác giao đất, cho thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại các KCN lên đến 2.717 ha. UBND tỉnh đã quyết định giao và cho thuê 1.941,57 ha đất, trong đó cho thuê lại thứ cấp đạt 1.114,78 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt mức bình quân 76,28%, một con số khá ấn tượng trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KCN.
Việc giám sát tài nguyên khoáng sản được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Ảnh T.D
Cùng với đó, quản lý không gian biển cũng là một nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến ngày 15/3/2025, hơn 9.593 ha diện tích biển đã được giao cho các tổ chức và hộ gia đình. Trong đó, 9.304,16 ha đã được giao cho 1.241 tổ chức, cá nhân, còn lại 288,9 ha được giao cho 470 hộ dân. Những hoạt động này tạo nền tảng phát triển kinh tế biển bền vững, đồng thời thu hút sự quan tâm của 92 tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác xã muốn triển khai các dự án nuôi trồng biển, mở ra cơ hội phát triển ngành hàng xuất khẩu mới mang đặc trưng của biển Quảng Ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai xây dựng bảng giá đất lần đầu theo Luật Đất đai năm 2024. Đây là nhiệm vụ mang tính bước ngoặt, không chỉ tác động đến công tác giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư, mà còn bảo đảm sự công bằng giữa người dân và Nhà nước. Các quy định về yếu tố xác định giá đất đang được xây dựng với mục tiêu đảm bảo tính khách quan, minh bạch và sát thực tế, phù hợp với đặc điểm từng khu vực.
Một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý đất đai trong những năm qua chính là tiến độ giải phóng mặt bằng và tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp. Tuy nhiên, trong quý I năm nay, Quảng Ninh đã chủ động tháo gỡ khó khăn bằng các biện pháp quyết liệt. Quyết định số 06/2025/QĐ-UBND, ban hành ngày 22/01/2025 về bộ đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất, đã giúp thống nhất quy trình định giá đền bù, tạo đà thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Đồng thời, 14 khu vực khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp với trữ lượng hàng chục triệu mét khối đã được công khai và cấp phép điều tiết linh hoạt, giúp giảm áp lực tiến độ cho các dự án trọng điểm của tỉnh./.
Công tác kiểm kê tài sản công và giám sát tài nguyên khoáng sản cũng được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Việc rà soát tổng thể các trụ sở, công trình, dự án không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả đang được triển khai mạnh mẽ, từ đó đề xuất các giải pháp thu hồi và tái sử dụng, nhằm đảm bảo không để thất thoát nguồn lực công, góp phần vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên của tỉnh.
Tiến Dũng