Quảng Ninh: Hồi sinh những cánh rừng

Quảng Ninh: Hồi sinh những cánh rừng
4 giờ trướcBài gốc
Gia đình chị Hoàng Mai Dung (thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) dọn dẹp, tận thu rừng keo bị gãy đổ do bão số 3. Ảnh: N.A.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 371.954ha rừng; trong đó có 123.730,4ha rừng tự nhiên, 216.422,7ha rừng trồng đã thành rừng và 31.801ha rừng trồng chưa thành rừng. Độ che phủ rừng đạt 55%.
Thế nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ bão số 3 càn quét, hàng trăm nghìn hecta rừng đã bị đổ rạp, thân cây bị gió bão vặn xoắn, gãy nát đang héo tàn... Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, bão số 3 đã làm thiệt hại khoảng 120.000ha rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mức thiệt hại từ 30 - 100%. Nhiều cánh rừng thiệt hại hoàn toàn, không thể phục hồi. Ước tính thiệt hại của ngành Lâm nghiệp là hơn 6.400 tỷ đồng, chiếm 26% tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh.
Hòa lẫn trong “nước mắt” của rừng là nước mắt của hàng chục nghìn hộ dân sống nhờ rừng ở Quảng Ninh, đặc biệt ở các vùng núi Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên… Rừng không chỉ là cả cơ nghiệp của họ mà còn là biết bao dự định về tương lai: Trả nợ ngân hàng, đóng học cho con, sửa sang nhà cửa… nay đành phải gác lại. “Chúng tôi đang cố gắng tận thu nhưng giá gỗ tận thu rẻ, xót xa lắm. Cơn bão làm thiệt hại gần 6ha rừng của gia đình, giờ chẳng biết lấy tiền đâu mà trả nợ cho ngân hàng…” - chị Hoàng Mai Dung (ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) ngậm ngùi chia sẻ.
Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi diện tích rừng cần thu dọn quá lớn, lại khó thuê nhân công. Hiện đang bắt đầu mùa hanh khô nên các chủ rừng còn phải đối mặt thêm với mối lo hỏa hoạn. Ông Nguyễn Thanh Khương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh thông tin: Sau bão, ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá hiện nay đang khô dần) tại hiện trường rừng bị thiệt hại, tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường.
Theo ông Khương, còn đến gần 50% diện tích rừng trồng từ năm 2021 - 2023 bị gãy đổ, giá trị lâm sản thu hồi sau bão cơ bản không đủ chi phí thu dọn. Việc này rất dễ dẫn đến tình trạng chủ rừng chủ động đốt để chuẩn bị trồng rừng, trong khi còn có hàng nghìn hecta rừng tự nhiên liền kề các khu rừng trồng bị thiệt hại hiện nay bị gãy gọn, cành, tuốt rụng lá đang trong thời gian khô héo. Do đó nguy cơ cháy lan trên diện rộng vào cả diện tích rừng tự nhiên là rất lớn.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, từ sau bão đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng: huyện Vân Đồn (3 vụ), TP Cẩm Phả (3 vụ), TP Hạ Long (1 vụ), huyện Ba Chẽ (1 vụ) và TP Móng Cái (1 vụ). Diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734ha.
Với đặc thù chu kỳ sinh trưởng dài, việc “chữa lành” cho rừng chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian, công sức hơn cả. Rừng không chỉ là sinh kế của hàng trăm nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong điều hòa khí hậu, giữ gìn môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước... “Chúng tôi đang tập trung triển khai kiểm đếm, thống kê thiệt hại, trên cơ sở đó kịp thời hỗ trợ các hộ có rừng bị thiệt hại theo chính sách của Trung ương và của tỉnh quy định để tái trồng rừng” - ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng trên diện tích rừng bị thiệt hại sau bão số 3; tập trung lực lượng ưu tiên xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát. Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh tăng cường lực lượng, ứng trực 24/24 để triển khai phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt là giám sát, hướng dẫn người dân đốt thực bì phải đảm bảo an toàn, nhằm hạn chế các vụ cháy rừng đáng tiếc xảy ra.
Để sớm tái thiết rừng, ngành Nông nghiệp cũng đang định hướng cho các địa phương, các chủ rừng sớm lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn kết hợp đồng thời với việc trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. “Chúng tôi đang tích cực phối hợp các địa phương hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức ươm gieo cây giống, đồng thời liên hệ với các cơ sở sản xuất giống của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và của các địa phương ngoài tỉnh để cung cấp đủ giống, đảm bảo chất lượng để tái trồng rừng sớm nhất” - ông Văn cho biết.
Ngọc Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/quang-ninh-hoi-sinh-nhung-canh-rung-10292008.html