Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh bày bán tại các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại giúp quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong, ngoài nước. Ảnh T.D
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đang trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế bền vững của các địa phương. Với tỉnh Quảng Ninh, xúc tiến thương mại đã được xác định là công cụ chiến lược nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Một trong những hoạt động nổi bật trong chiến lược xúc tiến thương mại của tỉnh Quảng Ninh là việc tổ chức định kỳ các hội chợ OCOP. Ngoài ra, các sự kiện tầm khu vực như Hội chợ OCOP Đồng bằng sông Hồng - Quảng Ninh 2025 hay các hội nghị kết nối cung cầu giữa Quảng Ninh với Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng không gian tiêu thụ nội địa.
Đáng chú ý, không chỉ giới hạn trong nước, Quảng Ninh còn chủ động đưa sản phẩm ra quốc tế thông qua các hội chợ như CAEXPO (Trung Quốc - ASEAN), Hội chợ Thương mại Việt - Lào, Hội chợ Côn Minh… Trong các sự kiện này, các sản phẩm chủ lực như trà hoa vàng, ruốc hải sản, rượu dược liệu, miến dong… đã bước đầu gây dựng được thương hiệu tại những thị trường có yêu cầu khắt khe như Trung Quốc.
Ông Nguyễn Kiên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh cho biết: "Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường hiện nay, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thích ứng với xu thế mới, mở rộng thị trường tiêu thụ".
Để đảm bảo đầu ra ổn định, tỉnh tiếp tục thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng VietGAP, GlobalGAP, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với đối tác nước ngoài. Ví dụ, như một số doanh nghiệp hải sản đã kết nối thành công với các sàn livestream tại Côn Minh.
Có thể thấy, xúc tiến thương mại tại Quảng Ninh không còn là công cụ phụ trợ mà đang trở thành cấu phần thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với định hướng bài bản, sự chủ động trong lựa chọn sản phẩm, đầu tư hạ tầng thương mại và chuyển đổi số, Quảng Ninh đã xây dựng được một mô hình mẫu mực trong việc kết nối sản xuất - phân phối - tiêu dùng.
Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu dùng trong nước, trong đó có tiêu dùng nội tỉnh - một thị trường nhiều tiềm năng nhưng thường bị bỏ ngỏ. Hệ thống phân phối của Quảng Ninh hiện đã được mở rộng đáng kể với 133 chợ truyền thống, 26 siêu thị, 384 cửa hàng tiện lợi và gần 30 trung tâm bán hàng OCOP. Những con số này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng thương mại, giúp đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tiến Dũng