Quản Ninh đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế số
Theo thống kê, hiện nay, 100% dân số tại địa phương này được phủ sóng mạng thông tin di động, trong đó phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%, số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người.
Phương thức thanh toán điện tử đang được triển khai hiệu quả, 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông tại tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Toàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, hơn 60.000 tài khoản doanh nghiệp, gần 802.000 tài khoản ví điện tử đã được định danh qua số điện thoại chính chủ.
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai đến 100% chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn; 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.
Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đã được thiết lập liên kết với các sàn giao dịch điện tử lớn, chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quảng bá nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, nông sản Đông Triều, hải sản Cô Tô, gà Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui… Đồng thời người dân cũng tự tạo kênh giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng trực tuyến.
Hiện Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước. Số dịch vụ công trực tuyến trên toàn địa bàn đã đạt trên 98,5%.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn không dùng tiền mặt; các đối tượng hưởng chính sách xã hội được thực hiện chi trả qua tài khoản.
Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính… tại Quảng Ninh cũng được thực hiện trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định sẽ tập trung ưu tiên cho chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, logistics...
Theo ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương sẽ từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.
Đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của Quảng Ninh đạt ít nhất 20% GRDP; 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân thanh toán không dùng tiền mặt; 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website có hóa đơn điện tử...
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP.
Trương Quốc Cường