Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời xây dựng cho tỉnh Quảng Trị những vùng trồng sản xuất có thế mạnh, sản phẩm nông nghiệp tham gia xuất khẩu, trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh tổ chức cấp và quản lý MSVT, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 1 mã số cơ sở đóng gói, 37 MSVT tại các địa phương với quy mô gần 2.880 ha. Cụ thể: 9 MSVT trên cây lúa (102,6 ha), 4 MSVT trên cây hồ tiêu (75,07 ha), 3 MSVT trên cây ném (8,5 ha), 2 MSVT trên cây an xoa (7,3 ha), 1 MSVT trên cây đậu xanh (30 ha), 1 MSVT trên cây chanh leo (2 ha), 1 MSVT trên cây lạc (5 ha), 1 MSVT trên cây thanh long (5 ha), 1 MSVT trên cây ăn quả có múi (9,5 ha), 1 MSVT trên cây mắc ca, chuối và mít (532 ha), 1 MSVT trên cây măng (3ha), 1 MSVT trên dưa hấu (5ha). Ngoài ra, có 3 MSVT trên cây chanh leo và 1 mã số cơ sở đóng gói đang được Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với nước nhập khẩu để hoàn thành các bước chờ cấp mã số.
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là một công cụ quan trọng để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Đây là một bước đi cần thiết để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập. Mã số vùng trồng đóng vai trò như một “hộ chiếu” giúp nông sản Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Thanh Hằng