Quảng trường lớn nhất của Paris hiện có diện tích 7,5 ha, đang được sử dụng 2/3 diện tích kể trên cho lưu thông xe và 1/3 cho người người đi bộ. Đề án cải tạo của hai kiến trúc sư Prost và Delmar đảo ngược tỷ lệ này:1/3 cho xe cộ chỉ lưu thông một bên cột tháp Louxor - tặng phẩm lịch sử của Ai Cập, 2/3 còn lại ưu tiên cho người đi dạo và cho thực vật (2,7 ha).
La Concorde sẽ thành một "quảng trường-vườn".
Mục tiêu của đề án là biến La Concorde thành một "quảng trường-vườn", nơi người ta không chỉ đi qua mà "thích thú ở lại". Sau khi cải tạo, quảng trường sẽ nối liền vườn hoa Tuileries với vườn hoa Champs Elyseés, đồng thời được kết nối với bờ sông Seine, với tham vọng hình thành một không gian “tươi mát” khả dĩ hạ nhiệt mặt đất đến 8,50C so với quảng trường hiện hữu.
Lịch sử ghi rằng thủ đô Paris hiện đại được quy hoạch trong phần sau thế kỷ 19 và gắn với tên tuổi của tỉnh trưởng Haussmann, người đã xẻ các trục giao thông chính của thành phố và quy định các chuẩn kiến trúc đồng nhất hóa mặt tiền các chung cư.
Cùng thời với Haussmann nhưng tên tuổi ít được nhắc đến là kỹ sư cầu đường Alphand, người được xem như cha đẻ không gian xanh của thủ đô, đặc biệt của quang cảnh đường phố trồng cây hai bên mà hôm nay người ta ngày càng nhận ra tính thẩm mỹ và hữu dụng.
Ngoài quy hoạch hai khu rừng lớn Boulogne và Vincennes ở ven Tây Nam và Đông Nam thành phố, kỹ sư Alphand còn tạo nên những công viên lớn như Buttes-Chaumont (quận 19), Montsouris (quận 14) hay Monceau (quận 8). Song đáng kể nhất là chủ trương ông thiết lập ở mọi quận những vườn hoa khu phố (square) để dân cư - trước hết là trẻ em - ở mọi khu phố có thể sinh hoạt nơi không khí trong lành và cách nhà không quá 10-15 phút đi bộ. Những square này đôi khi chỉ khoảng 200m2 nhưng có mật độ dày đặc, ví như trong bán kính 500m xung quanh nhà người viết có đến ba square nhỏ.
Paris vẫn bị xếp hạng khá thấp, dưới trung bình so với các thủ đô khác ở châu Âu về mảng xanh đô thị.
Vì vậy thủ đô nước Pháp đã tiến hành hàng loạt đề án để gia tăng mảng xanh cho đô thị.
Hàng loạt đề án trồng “rừng đô thị”, “phố trường học”, “nông trại đô thị" đã được xúc tiến thực hiện.
Hoa lá cỏ cây có vẻ nhiều đến thế, và mặc dù thành phố từ nhiều năm nay có đề ra chính sách thực vật hóa không gian công cộng, nhưng trước viễn cảnh biến đổi khí hậu trên thế giới, thủ đô Paris – nơi có hẳn một phó thị trưởng đặc trách hoa lá cây cỏ - hiện vẫn bị cơ quan châu Âu phụ trách môi trường nhận xét thuộc những thành phố thiếu trầm trọng không gian xanh trước nguy cơ trái đất nóng dần.
Để cải thiện hình ảnh “chậm tiến” này, Paris tiến hành hàng loạt đề án trồng “rừng đô thị” trên các quảng trường Catalogne (quận 14), Colonel Fabien (quận 19), Hotel de Ville (quận 4), La Concorde (quận 8). Thủ đô nước Pháp cũng thiết lập những “phố trường học” nhằm thực vật hóa sân trường và vỉa hè trước các trường tiểu học thuộc quận.
Ở cấp độ người dân, thành phố khuyến khích dân cư có sáng kiến thực vật hóa các vỉa hè, những bức tường mặt tiền và sân thượng của chung cư; hay sáng kiến mở các khu vườn tập thể, những “nông trại đô thị”…
Bất luận mọi cố gắng, kể cả việc cường điệu các tên gọi “rừng đô thị”, “phố trường học”, “nông trại đô thị", với tỉ suất thực vật hóa hiện chỉ đạt 31% tổng diện tích thành phố, Paris vẫn bị xếp hạng khá thấp, dưới trung bình so với các thủ đô khác ở châu Âu. Nỗ lực xanh hóa Paris, thay đổi bộ mặt thủ đô nước Pháp vì vậy sẽ phải nền tảng hơn, quyết liệt hơn.
Hạ Lian