Tổng thống Donald Trump đã cam kết áp đặt các mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu như một phần trong chương trình kinh tế của ông trong nhiệm kỳ thứ hai. Mặc dù Trung Quốc được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề nhất, các quốc gia khác, bao gồm cả đồng minh của Mỹ, cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Ông Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, Mich., vào ngày 5/11. Ảnh: NBC News
Tổng thống Mỹ đã vận động tranh cử với lời hứa sử dụng thuế quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, với mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác.
Dù tất cả các chính sách thuế quan này cần sự phê duyệt của Quốc hội, nhiều nhà kinh tế đã bắt đầu dự đoán tác động của chúng đến thị trường toàn cầu. Tiến sĩ Rishav Bista, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Texas Christian, nhận định: "Chính sách thuế quan của ông Trump không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ thương mại với Trung Quốc mà còn tác động đến mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu".
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Edward M. Feasel, Chủ tịch kiêm giáo sư kinh tế tại Đại học Soka của Mỹ, cho rằng: "Nếu Tổng thống Trump thực hiện lời hứa tăng thuế quan trên diện rộng, đặc biệt với Trung Quốc, chắc chắn sẽ có những tác động lớn đến xuất khẩu và GDP của các nền kinh tế đồng minh và các nước khác".
Ông Feasel nhấn mạnh thêm rằng các quốc gia G7 phụ thuộc vào xuất khẩu hơn nhiều so với Mỹ. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP của các nước này vượt 30%, trong khi ở Mỹ chỉ khoảng 11%. Điều này cho thấy xuất khẩu không chỉ là nguồn cầu mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trên toàn cầu.
Liệu châu Âu có chịu tổn thất nhiều hơn Trung Quốc?
Một số kịch bản cho thấy châu Âu có thể chịu tổn thất lớn hơn Trung Quốc. Theo mô hình phân tích của Financial Times và Allianz Trade, trong một cuộc "chiến tranh thương mại hạn chế", Mỹ tăng thuế 25% đối với một nửa số hàng nhập khẩu không thiết yếu từ Trung Quốc và 5% với các quốc gia khác (trừ Canada và Mexico), châu Âu dự kiến sẽ thiệt hại 38,6 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2026, so với mức thiệt hại 34,2 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong trường hợp xảy ra "chiến tranh thương mại toàn diện", với mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với tất cả các quốc gia khác, Trung Quốc sẽ mất khoảng 125,3 tỷ USD, trong khi châu Âu sẽ mất 124,8 tỷ USD cùng kỳ.
Ông Patrick Dine, Giám đốc điều hành công ty tư vấn PSD Global, cho biết: "Tác động chính đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ rơi vào các quốc gia bị đánh thuế, như Trung Quốc, và những nước có kim ngạch xuất khẩu cao sang Mỹ, chẳng hạn như Đức với các sản phẩm ô tô".
Sự phụ thuộc của các đối tác thương mại vào Mỹ
Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai và dịch vụ lớn nhất thế giới. Năm 2022, Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá 3,2 nghìn tỷ USD và dịch vụ 680,3 tỷ USD.
Các nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ bao gồm: Trung Quốc (536,3 tỷ USD), Mexico (454,8 tỷ USD), Canada (436,6 tỷ USD), Nhật Bản (148,1 tỷ USD), và Đức (146,6 tỷ USD). Ngoài ra, các nước EU đã cung cấp tổng cộng 553,3 tỷ USD hàng hóa.
Đối với dịch vụ, Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Anh, chiếm 10,4% tổng giá trị (70,8 tỷ USD), và từ các nước EU là 166,7 tỷ USD.
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị cơ khí (47,7%), các sản phẩm sản xuất khác (13,5%) và hóa chất, cao su, nhựa (10,5%). Trong khi đó, EU chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm, ô tô và thiết bị y tế sang Mỹ.
Ai sẽ chịu thiệt hại lớn nhất?
Mặc dù Trung Quốc và châu Âu được dự đoán sẽ chịu tổn thất đáng kể, nhiều chuyên gia cho rằng chính người dân Mỹ sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất.
Tiến sĩ Bista giải thích: "Thuế quan đồng nghĩa với giá nhập khẩu cao hơn đối với các nguyên liệu như thép, nhôm, khiến chi phí sản xuất tăng và người tiêu dùng Mỹ cuối cùng sẽ phải gánh chịu." Ông cảnh báo rằng chi phí cao hơn cũng có thể làm giảm sản lượng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Ngoài ra, nguy cơ trả đũa từ các quốc gia bị ảnh hưởng có thể làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường chứng khoán, gây biến động mạnh mẽ.
Tiến sĩ Feasel cũng chỉ ra rằng mức thuế quan "tối ưu" không nhất thiết là 0%, vì quá trình toàn cầu hóa đã gây ra những xáo trộn lớn cho lao động Mỹ, dẫn đến làn sóng bất mãn đối với chính sách thương mại tự do.
Ông kết luận rằng các biện pháp thuế quan có thể là nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế quốc gia và những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Hà Linh (Theo Newsweek)