Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Chỉ trong vài tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhanh chóng đưa ra một loạt nhượng bộ cho Nhà Trắng về các vấn đề cốt lõi trong chương trình nghị sự của ông Trump.
Điều đó đã phản ánh bức tranh ban đầu về cách New Delhi lên kế hoạch đối phó với tân tổng thống Mỹ khi ông áp thuế đối với cả đối thủ và đồng minh.
Động thái mới nhất của Ấn Độ diễn ra vào hôm 1/2, khi chính quyền ông Modi công bố đợt cải tổ đầu tiên về chế độ thuế quan của mình, bao gồm việc cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu từ hàng dệt may đến xe máy. Động thái này diễn ra sau lời cam kết của New Delhi về việc chấp nhận hàng nghìn người di cư bất hợp pháp từ Mỹ và duy trì giao dịch bằng USD.
Những hành động nhanh chóng đó diễn ra khi không có bất kỳ mối đe dọa mới cụ thể nào từ chính quyền Trump. Chúng đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận mềm mỏng hơn của Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Cách tiếp cận này đánh dấu sự tương phản với đường lối cứng rắn hơn mà ông Modi đã vạch ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi mối quan hệ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo không đủ để vượt qua bế tắc thương mại khiến Washington phải tước bỏ các đặc quyền thương mại đối với Ấn Độ.
Các quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết họ mong muốn duy trì mối quan hệ sâu sắc hơn trong thương mại, quốc phòng và chia sẻ công nghệ giữa hai quốc gia, cũng như củng cố vị thế của Ấn Độ như một điểm đến cho các nhà sản xuất nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Họ cho biết New Delhi sẽ được nhiều hơn mất nếu duy trì mối quan hệ hữu nghị với chính quyền Trump.
"Làm mọi thứ"
"Ấn Độ khá quan trọng đối với Mỹ theo mọi cách, cho dù đó là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như nơi để các công ty hướng đến để tránh thuế quan", Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, nhận định.
"Rủi ro về mức thuế quan cao đối với Ấn Độ là thấp, nhưng có vẻ như họ đang làm mọi cách có thể để tránh thuế quan", ông chia sẻ thêm.
Chính phủ của các quốc gia trên khắp thế giới đang chạy đua để đi trước các động thái bảo hộ của Mỹ khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc. Động thái bảo hộ đó làm dấy lên những mối đe dọa mới đối với tăng trưởng toàn cầu và làm xáo trộn thị trường thế giới.
Hàn Quốc tuyên bố đang cân nhắc mua thêm thực phẩm và năng lượng của Mỹ, trong khi Nhật Bản cho biết họ đang tìm kiếm nguồn cung năng lượng ổn định từ Washington.
Ông Trump và ông Modi trong một cuộc gặp năm 2020. Ảnh: Bloomberg.
Tại Australia, Bộ trưởng Thương mại Don Farrell đã liên hệ với người đồng cấp Mỹ để tổ chức một cuộc họp, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết. Australia muốn hành động nhanh chóng trước mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu nhôm và đồng của nước này.
Ấn Độ nói riêng sẽ mất nhiều trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào với Washington. Tổng thâm hụt thương mại của quốc gia này với Mỹ là 78,1 tỷ USD, chủ yếu là do họ nhập khẩu nhiều năng lượng của Washington. Tuy nhiên, điều đó lại được bù đắp bằng thặng dư song phương với Mỹ trị giá 35,3 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm ngoái.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Mỹ đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm quốc phòng, chia sẻ công nghệ và hợp tác hạt nhân khi Washington tìm cách đưa New Delhi thành đối trọng của Trung Quốc trong khu vực. Các công ty Mỹ như Apple và Micron Technology đã xây dựng nhiều nhà máy mới ở Ấn Độ.
Tuần trước, Tổng thống Trump cho biết ông mong đợi thủ tướng Ấn Độ sẽ đến thăm Nhà Trắng trong tháng này. Điều đó khiến ông Modi trở thành một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Washington kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ và các rào cản thương mại cao của nước này, đồng thời cam kết áp dụng thuế quan có đi có lại đối với quốc gia Nam Á này.
Quyết định giảm thuế đối với xe môtô hạng nặng của ông Modi nhắm vào một mặt hàng xuất khẩu của Mỹ mà ông Trump đã nhiều lần nói rằng bị đối xử bất công: Xe máy do Harley-Davidson tại Milwaukee sản xuất trong nhiều năm đã vật lộn với chế độ thuế quan phức tạp của Ấn Độ.
Điểm bế tắc
"Những thay đổi trong cơ cấu thuế quan có thể giải quyết hoặc thể hiện ý định giải quyết các vấn đề mà ông Trump nêu ra trong trường hợp của Ấn Độ", Amitendu Palit, một nhà kinh tế chuyên về thương mại và đầu tư quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Hàng hóa tại cảng ở Los Angeles (Mỹ) năm 2022. Ảnh: Reuters.
Bloomberg nhận định vẫn còn những điểm bế tắc khác giữa hai nước. Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu khối lượng lớn dầu thô từ Nga, quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt.
Trong khi đó, Mỹ đã truy tố một viên chức chính phủ Ấn Độ vào năm ngoái với cáo buộc tổ chức âm mưu giết hại một công dân Mỹ ngay trên đất Mỹ. Ấn Độ cho biết họ đã khuyến nghị hành động pháp lý đối với một cá nhân mà họ tin là có liên quan đến âm mưu này.
Một rủi ro đối với Ấn Độ khi xoa dịu ông Trump là họ có nguy cơ phải chịu thêm các yêu cầu từ nhà lãnh đạo Mỹ, ông Palit nhận định.
"Nếu bạn chiều ý ông Trump một lần, bạn không thể chắc chắn rằng điều đó sẽ được giải quyết mãi mãi, bởi ông ấy sẽ quay lại và yêu cầu mức giá cao hơn. Đó là một thách thức", ông Palit nói.
Vân Hải