Quốc gia trẻ nhất thế giới đứng trước nguy cơ trở lại chiến tranh

Quốc gia trẻ nhất thế giới đứng trước nguy cơ trở lại chiến tranh
19 giờ trướcBài gốc
Cuộc khủng hoảng hiện tại là gì?
Nam Sudan tách khỏi Sudan vào năm 2011 sau nhiều thập kỷ bất ổn để giành độc lập nhưng đã phải vật lộn để giữ hòa bình trên lãnh thổ của mình, nơi bị chia rẽ theo ranh giới sắc tộc.
Quốc gia này rơi vào cuộc nội chiến vào năm 2013 và xung đột lại tái diễn ba năm sau đó, trước khi bạo lực tạm thời chấm dứt nhờ một thỏa thuận ngừng bắn mong manh đạt được vào năm 2018.
Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xung đột giết chết hàng chục nghìn người ở Nam Sudan đang có nguy cơ sụp đổ, làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia trẻ nhất thế giới - và là một trong những quốc gia nghèo nhất - có thể nhanh chóng quay trở lại chiến tranh.
Trẻ em rửa tại vòi nước do UNICEF lắp đặt trong một trại dành cho người di tản ở Bentiu, Nam Sudan. (Ảnh: UNICEF)
Quốc gia này được điều hành bởi một chính phủ liên minh, do Tổng thống Salva Kiir và 5 Phó Tổng thống lãnh đạo, bao gồm đối thủ của Tổng thống Kiir là Riek Machar, lãnh đạo đảng SPLM/A-IO.
Ông Machar đã bị bắt trong tuần này, khiến SPLM/A-IO đưa ra một tuyên bố vào tuần trước rằng, việc giam giữ ông "có khả năng khiến thỏa thuận (giữa ông và Kiir) sụp đổ".
"Triển vọng hòa bình và ổn định ở Nam Sudan hiện đã bị đe dọa nghiêm trọng", tuyên bố cho biết thêm.
Việc bắt giữ ông Machar diễn ra sau khi một số quan chức cấp cao khác của SPLM/A-IO bị cách chức và bắt giữ, đồng thời quân đội từ nước láng giềng Uganda cũng xuất hiện tại Nam Sudan theo lời mời của Tổng thống Kiir nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống lại một lực lượng dân quân địa phương.
SPLM/A-IO đã lên án hành động này, gọi đó là “cuộc xâm lược quân sự nhắm vào dân thường” do lực lượng Uganda tiến hành.
Ông Machar cũng lên án sự can thiệp quân sự của Uganda trong một bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc vào ngày 23/3, nói rằng nó vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hòa bình.
Nam Sudan chưa bao giờ tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia. Chính phủ hiện tại của nước này là kết quả của một thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết vào năm 2018 giữa hai ông Kiir và Machar. Thỏa thuận đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, giết chết khoảng 400.000 người.
Nam Sudan có sự phân cực giữa bộ lạc Dinka chiếm đa số, nơi Tổng thống Kiir xuất thân, và nhóm dân tộc Nuer của Phó Tổng thống Machar, lớn thứ hai ở Nam Sudan.
Các cuộc đụng độ trong tháng này ở thị trấn Nasir giữa lực lượng chính phủ và một lực lượng dân quân Nuer được gọi là Quân đội Trắng đã làm rung chuyển nền hòa bình mong manh của đất nước. Hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, truyền thông địa phương đưa tin.
Hôm 28/3, nhà chức trách xác nhận việc bắt giữ ông Machar, cáo buộc ông khuyến khích lực lượng dân quân tràn vào một căn cứ quân sự ở Nasir và tấn công một trực thăng của Liên hợp quốc. Về phần mình, Quân đội Trắng phủ nhận quan hệ với ông Machar hoặc đảng của ông.
Theo CNN đưa tin, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei cho biết, kể từ đầu tháng 3, ông Machar đã "kích động" một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ "với mục đích phá vỡ hòa bình để các cuộc bầu cử không được tổ chức và Nam Sudan quay trở lại chiến tranh".
Michael Makuei nói rằng, thông tin ông cung cấp là từ "các báo cáo tình báo và an ninh".
Ông Makuei nói thêm, ông Machar và những đồng minh “kích động thù địch dân tộc” của ông ở SPLM/A-IO "sẽ bị điều tra và đưa ra tòa án cho phù hợp". SPLM/A-IO đã không bình luận về những cáo buộc này.
Thế giới phản ứng thế nào?
Phát ngôn viên Liên hợp quốc Stéphane Dujarric đã cảnh báo, vụ bắt giữ ông Machar và tình trạng bất ổn đang đưa đất nước "tiến gần hơn một bước đến bờ vực của sự sụp đổ vào cuộc nội chiến".
"Thỏa thuận hòa bình đang trong tình trạng hỗn loạn", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói và kêu gọi giảm leo thang.
Một vụ nổ mìn gần thị trấn Luri, phía Tây Nam thủ đô Juba của Nam Sudan. (Ảnh: UNICEF)
Các quốc gia phương Tây cũng đã tìm cách làm giảm nhiệt căng thẳng ở Nam Sudan. Trong một tuyên bố chung vào tuần trước, các đại sứ quán Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Na Uy tại Nam Sudan, cũng như phái đoàn Liên minh châu Âu kêu gọi ông Kiir thả ông Machar và ngừng bắn giữa các nhóm vũ trang.
Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình mong manh ở nước này, đại sứ quán Mỹ đã kêu gọi công dân rời khỏi Nam Sudan khi họ vẫn có thể. Lời khuyên tương tự đã được Anh đưa ra.
Liên minh châu Phi, bao gồm 55 quốc gia châu Phi, cho biết họ sẽ triển khai một phái đoàn đến Juba, thủ đô của Nam Sudan, "để giảm leo thang tình hình".
Một đặc phái viên của ông William Ruto, Tổng thống nước láng giềng Kenya, đã đến Juba cuối tuần trước và tổ chức các cuộc hội đàm với ông Kiir.
Sau cuộc họp, ông Raila Odinga cho biết sẽ thông báo cho các nhà lãnh đạo Đông Phi về "một lộ trình khả thi để đạt được hòa bình và ổn định bền vững".
Đất nước nằm bên bờ vực
Vào tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một đánh giá ảm đạm về tình hình. Bạo lực, quản lý yếu kém các nguồn lực công và "tranh chấp chính trị" đã "tăng cường các nhu cầu nhân đạo hiện có" ở Nam Sudan, báo cáo cho biết.
Và trong một báo cáo vào tháng 12, WB cho biết, hơn hai phần ba dân số ở quốc gia giàu dầu mỏ này cực kỳ nghèo, sống dưới 2,15 đô la mỗi ngày.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, Nam Sudan chứa hơn nửa triệu người tị nạn từ các nước láng giềng bị chiến tranh tàn phá Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc mô tả Nam Sudan là "một quốc gia trên bờ vực", phải đối mặt với "nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc".
"Nam Sudan có thể đã không còn nhận được sự chú ý thế giới... nhưng chúng ta không thể để tình hình rơi xuống vực thẳm", ông Guterres nói.
Hồng Anh
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/quoc-gia-tre-nhat-the-gioi-dung-truoc-nguy-co-tro-lai-chien-tranh-474079.html