Quốc hội chốt việc thanh tra, chống tham nhũng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Quốc hội chốt việc thanh tra, chống tham nhũng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy
2 ngày trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, với 456/459 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Điều 7).
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo nghị quyết, cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thanh tra.
Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
"Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật", nghị quyết nêu rõ.
Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thành lập đoàn thanh tra hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra.
Riêng đối với cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Quốc hội quy định tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước xem xét, ban hành kết luận thanh tra.
Cũng theo nghị quyết, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì người đứng đầu giao đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến việc sắp xếp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, có ý kiến đề nghị không quy định trong nghị quyết này mà giao Chính phủ quy định cho chủ động.
Một số ý kiến cho rằng, thời hạn 5 năm để giải quyết số lượng cấp phó tăng thêm do công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là quá dài, đề nghị quy định cụ thể các phương thức giải quyết vấn đề dôi dư nhân sự sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết hiện nay, số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đang được quy định cụ thể tại nhiều luật, nghị quyết và cả các văn bản dưới luật.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, số lượng người giữ vị trí cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan có thể sẽ cao hơn so với quy định. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng nghị quyết này cần có quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu để có cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Thời hạn 5 năm là thời hạn tối đa để hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ.
"Trong quá trình thực hiện, các cơ quan có trách nhiệm sẽ xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ quan và quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền", ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật, chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/quoc-hoi-chot-viec-thanh-tra-chong-tham-nhung-sau-khi-sap-xep-to-chuc-bo-may-ar926779.html