Sáng nay (17/5), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết này.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, quy định, số lần thanh, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm. Nghị quyết yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…
Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó là sẽ thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát; chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Về nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh, Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Các ĐBQH bấm nút biểu quyết.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026
Về các hỗ trợ đất đai và thuế phí, theo Nghị quyết, doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ…
Bên cạnh đó được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn; Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu….
Đáng chú ý, Nghị quyết thông qua việc Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026 (sớm hơn 6 tháng so với dự thảo 1/7/2026). Từ 2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài ra theo Nghị quyết, sẽ chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026. Miễn thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với các loại giấy tờ nếu phải cấp lại, cấp đổi khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật.
Về hỗ trợ quản trị và nguồn nhân lực, theo Nghị quyết, sẽ bố trí NSNN để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030…
Phanh phui đường dây thuốc giả trị xương khớp: 21 loại tân dược, thu lợi 200 tỷ đồng | SKĐS