ĐBQH đề xuất mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ dự trữ tài chính

ĐBQH đề xuất mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ dự trữ tài chính
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi dự án Luật Ngân sách nhà nước là cần thiết nhằm khắc phục bất cập của Luật Ngân sách nhà nước sau 10 năm thực hiện. Theo ông Hùng, sửa đổi Luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn trong thực tiễn hiện nay, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho điều hành ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Về Quỹ dự trữ tài chính và xử lý kết dư ngân sách nhà nước, ông Hùng đánh giá, dự thảo Luật kế thừa quy định hiện hành nhưng chưa đánh giá đầy đủ những vướng mắc thực tiễn trong việc sử dụng quỹ này. Hiện nay phạm vi sử dụng Quỹ còn tương đối hẹp, chủ yếu phục vụ tạm ứng cho các nhiệm vụ chi theo dự toán trong trường hợp thu chưa kịp tập trung, hoặc xử lý các tình huống như: thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh, trong khi mức trần của Quỹ là 25% dự toán chi ngân sách hàng năm.
Dẫn chứng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Quỹ năm 2025 lên tới hơn 13 ngàn tỷ đồng, dù là nguồn lực lớn nhưng không linh hoạt điều chuyển cho đầu tư phát triển hạ tầng dẫu nhu cầu đầu tư là rất cần thiết. Do đó, theo ông Hùng cần xem xét mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ để vừa bảo đảm mục tiêu an toàn ngân sách vừa khai thác hiệu quả nguồn lực công.
Về tạo lực cho Quỹ dự trữ tài chính, dự thảo Luật quy định trích 50% kết dư ngân sách cấp tỉnh vào Quỹ, ông Hùng cho rằng là chưa hợp lý vì kết dư ngân sách tại địa phương thường bao gồm vốn đầu tư công chưa giải ngân kịp. Nếu trích lập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn. Do đó cần xem xét điều chỉnh trích 50% kết dư ngân sách cấp tỉnh không bao gồm kết dư từ dự toán chi đầu tư công vào quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Theo ĐB Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) bội chi ngân sách nhà nước cần xem xét yếu tố thực tế điều chỉnh theo hướng Quốc hội chỉ quy định tổng bội chi ngân sách địa phương, còn thẩm quyền quy định bội chi cho từng địa phương có thể trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quy định.
Về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND các cấp quyết định danh mục các chương trình dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách nhà nước và cấp mình đối với các dự án quan trọng thuộc đối tượng đầu tư công, ông Tân đề nghị quyền hạn của HĐND các cấp trong xem xét, quyết định danh mục các chương trình dự án nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách nhà nước của ngân sách cấp mình, quyết định chủ trương đầu tư chương trình sử dụng vốn ngân sách địa phương dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương các cấp.
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước vì thực tiễn sắp tới tổ chức chính quyền 2 cấp cần có sự đổi mới chính sách cho phù hợp.
Về nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, bà Chung đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành trong việc quyết định mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ, và nên bổ sung thêm mức chi cụ thể liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chi cho công tác xây dựng pháp luật.
Hiện nay vẫn xác định phát triển khoa học công nghệ và giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc quy định rõ mức chi phải duy trì để đảm bảo ưu tiên trong đầu tư ngân sách đối với 2 lĩnh vực này. Quy định rõ hơn tỷ lệ chi cho xây dựng pháp luật hàng năm không quá 0,5% và tăng dần trong hàng năm. Nếu không quy định thẩm quyền của Quốc hội là không phù hợp với Hiến pháp vì Hiến pháp đã nói rất rõ thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định các mức chi cụ thể. Vì thế phải quy định cụ thể các mức chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và địa phương, theo bà Chung phải quy định trong luật các nguyên tắc về các nguồn thu phân chia, và nguyên tắc để phân chia thì nên giao cho Chính phủ xây dựng phương án để trình Quốc hội xem xét quyết định và điều chỉnh theo thời kỳ ổn định ngân sách hoặc hàng năm.
Về nhiệm vụ thu của ngân sách địa phương, bà Chung nói rằng tại Nghị quyết cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân vừa được Quốc hội thông qua sáng nay đã bỏ các khoản thu phí, lệ phí về môn bài từ 1/1/2026. Nhưng hiện nay trong luật vẫn đưa khoản thu về lệ phí môn bài trong ngân sách địa phương. Do đó cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dbqh-de-xuat-mo-rong-pham-vi-su-dung-quy-du-tru-tai-chinh-10306035.html