Sáng 19-2, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM với 100% đại biểu có mặt tại hội trường bấm nút tán thành.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội cho phép thí điểm sáu cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP HCM.
Đó là cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải và các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.
Trong phần báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết thí điểm phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu. Ảnh: QH
Việc này nhằm giải quyết "điểm nghẽn" về thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần phát triển đô thị xanh, bền vững.
Đối với ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi của việc bố trí nguồn lực cho việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của hai TP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mạng lưới đường sắt đô thị của hai TP có quy mô lớn và được đầu tư kéo dài qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Do đó, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, Chính phủ đã đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, giai đoạn 2031 - 2035, Chính phủ sẽ căn cứ khả năng cân đối vốn để bố trí cho các dự án đầu tư đường sắt đô thị theo khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công theo quy định.
Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi trong việc huy động nguồn lực.
Về tổ chức thực hiện, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được quy định tại Nghị quyết này để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội,Ủy ban Thường vụ Quốc hội".
100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH
Đặc biệt, theo giải trình, tiếp thu, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định trần dư nợ vay 120% cho TP.HCM. Việc nâng từ 60% lên 120% đã là một bước tăng lớn nhưng nếu tiếp tục cho phép điều chỉnh thì trần dư nợ sẽ mất ý nghĩa; cần có cơ chế kiểm soát để tránh rủi ro nợ công và mất cân đối ngân sách trung ương; đề nghị cần lập kế hoạch vay nợ hợp lý, lộ trình trả nợ rõ ràng và cơ chế chia sẻ nguồn thu với Trung ương để bảo đảm cân đối tài chính.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại khoản 4, Điều 5 Nghị quyết 98/2023, Quốc hội đã cho phép TP.HCM được “vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 và Nghị quyết 25/2025 của Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho TP.HCM năm 2025 là 8,5% nên hạn mức vay nợ của TP còn tiếp tục tăng thêm.
“Tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị quyết đã quy định trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của TP” để bảo đảm việc kiểm soát trần nợ công và hạn mức vay” - Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày.
NHÓM PHÓNG VIÊN