Hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động
Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng 400.000 DN đang hoạt động trên tổng số 1 triệu DN của cả nước.
Các DN tại TP Hà Nội hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, bất động sản, giáo dục. Những năm gần đây, DN đang có xu hướng tăng cường các hoạt động chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ lưỡng thực trạng phát triển của các DN, có thể nhận thấy còn nhiều hạn chế. Trong tháng 1-2025, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.045 DN thành lập mới, giảm 24,3% so với cùng kỳ tháng 1-2024; vốn đăng ký đạt 13,8 nghìn tỷ đồng, giảm 53,4%; 3.637 DN hoạt động trở lại, tăng 44%; 12,7 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21,4%; 533 DN giải thể, tăng 8,9%.
Từ những số liệu trên có thể thấy, các DN trên địa bàn Hà Nội tuy đông nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo TS Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, một trong những khó khăn, thách thức mà các DN đang phải đối diện là thiếu vốn để mở rộng sản xuất và nâng cấp công nghệ. Khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cũng hạn chế, thiếu kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị.
Nhiều DN vẫn dựa trên mô hình hoạt động nhỏ lẻ, thiếu bài bản dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao và khó mở rộng quy mô. Chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn chưa cao. Lực lượng lao động nước ta tuy đông nhưng thiếu nhiều kỹ năng và hiện mới chỉ khoảng 10% được đào tạo chuyên sâu, trong khi các ngành công nghiệp yêu cầu kỹ thuật cao đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
Các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu sản phẩm trong một sự kiện tại TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh quốc tế của các DN tại Hà Nội cũng như nước ta còn nhiều hạn chế do khả năng tự chủ công nghệ còn yếu. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa cao; các DN trong nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài.
Ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao năng suất lao động
Theo các chuyên gia, để tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN trên địa bàn Hà Nội, nhất là với các DN nhỏ và vừa, cần có sự hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn thông qua những khoản vay ưu đãi, nhất là với các DN đầu tư vào chuyển đổi số (CĐS), công nghệ cao; hỗ trợ các DN đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp, tài trợ trực tiếp cho các DN để triển khai dự án từ việc mua sắm trang thiết bị đến triển khai hệ thống. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thiết lập các chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư liên quan đến CĐS; cung cấp những chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp cộng đồng DN nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện CĐS trong sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
Bên cạnh các chính sách về thuế và nguồn vốn, thành phố cần tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng các cơ chế hợp tác để khuyến khích chuyển giao, chia sẻ công nghệ, dữ liệu giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN trong nước. Điều này sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, hấp dẫn; giúp các DN trong nước học hỏi, nắm bắt được các công nghệ tiên tiến của thế giới chứ không chỉ dừng lại ở vị trí gia công-lắp ráp, tạo động lực để các DN nội địa thay đổi, phát triển và hội nhập, nâng cao vị thế của DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô, UBND TP Hà Nội sẽ đề ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cộng đồng DN cần phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi; đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mới như công nghiệp chế tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng sạch...
Thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên CĐS; ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của DN. Đồng thời, các DN phải lan tỏa được giá trị thương hiệu cốt lõi và hướng tới cộng đồng, tiếp tục tham gia đồng hành với thành phố trong các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người dân.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG