Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện hành; hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa nội dung 06 nhóm chính sách gồm: (1) Nhóm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; (2) Nhóm chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (3) Nhóm chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; (4) Nhóm chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (5) Nhóm chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; (6) Nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; các chính sách lớn của dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của luật hiện hành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo chủ động phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước, cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, kiểm toán của Nhà nước và của Nhân dân đối với vốn của Nhà nước.
Quan tâm đến nội dung dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu một số vấn đề như: Về đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư, hay còn gọi là doanh nghiệp F2, F3…; Về phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, dự thảo Luật quy định phân phối đối với doanh nghiệp 100% và 50 - 100% vốn nhà nước, nhưng lại không quy định là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị cần quy định rõ lợi nhuận phân phối ở đây phải là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% thì lợi nhuận được phân phối như thế nào. Cùng quan tâm đến vấn đề này, có đại biểu cho rằng, cơ chế phân phối lợi nhuận theo dự thảo Luật sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao và cho rằng, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh…
Giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành luật trước hết là để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, để Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế, chấm dứt việc can thiệp hành chính vào doanh nghiệp hay lồng ghép quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh…; đối với đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3 để quy định nguyên tắc quản lý. Với biện pháp, mức độ phù hợp, Bộ Tài chính xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào đối tượng áp dụng và quy định nguyên tắc, nội dung quản lý cho phù hợp với phần vốn góp cũng như là tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.
Liên quan đến quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế, Bộ trưởng nhấn mạnh, về nguyên tắc theo quy định pháp luật thì đây là sở hữu của các chủ sở hữu vốn, là phần để chia cổ tức, không phải là của doanh nghiệp. Do đó, khi quy định để lại tối đa 50%, có nghĩa là nhà nước ấn định tỷ lệ này khi nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, không nên để tỷ lệ này cao quá vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác.
Tại phiên họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao./.
Triệu Tuyên