Sáng nay (14-5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 gồm tám khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm ba khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Đảm bảo linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC
Đây là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai cũng rất lớn nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác này phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC, điều 110), báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ cho thấy một số ý kiến tán thành việc không quy định cụ thể ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Có ý kiến cho rằng ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương nên quy định theo hướng đa dạng. Đối với các TP lớn như Hà Nội thì không nhất thiết phân chia thành các phường trực thuộc mà có thể cân nhắc chia thành khu vực đô thị và khu vực ngoại thị theo đặc điểm dân cư. Điều này sẽ giúp bố trí nguồn lực hợp lý thay vì cào bằng giữa đô thị lõi với các khu vực nông thôn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung “ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương” là có ĐVHC cấp xã và tương đương hay còn cấp ĐVHC nào khác.
Có ý kiến đề nghị làm rõ ĐVHC - kinh tế đặc biệt có phải là ĐVHC của Việt Nam hay không và đơn vị này thuộc trung ương, cấp tỉnh hay cấp xã.
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ bỏ cụm từ “ĐVHC” và chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 111 theo hướng: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Quốc hội quy định chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, ĐVHC - kinh tế đặc biệt.
“Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương mà có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND, UBND hay Ủy ban hành chính...” – theo báo cáo.
Một phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Đại biểu HĐND được chất vấn Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự?
Liên quan đến quyền chất vấn (điều 115), bên cạnh ý kiến tán thành, nhiều đại biểu đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Theo các đại biểu, đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc.
Hơn nữa, lý giải trong Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về việc tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn nhưng đại biểu HĐND vẫn thực hiện quyền giám sát là chưa thuyết phục. Theo các đại biểu, đây là 2 hoạt động khác nhau, việc tổ chức chất vấn riêng sẽ tạo điều kiện để đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm một cách chính thức, công khai đối với người được chất vấn.
Do đó, nhiều đại biểu yêu cầu chỉnh lý theo hướng quy định đại biểu HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có quyền chất vấn Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và khu vực hoặc chỉ chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND tỉnh.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh ngoài thẩm quyền chất vấn Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND thì còn có thẩm quyền chất vấn đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh và khu vực hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự…
Về hiệu lực thi hành, theo báo cáo, có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh; còn đối với Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh thì giao Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định đó.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết để có cơ sở triển khai thực hiện hoặc đề nghị cho phép thực hiện luôn mà không quy định là “trường hợp đặc biệt”.
“Đối với trường hợp này, đề nghị làm rõ khi được chỉ định giữ các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND thì người này có thực hiện quyền của đại biểu HĐND không? Trường hợp được điều động sang làm công tác khác thì HĐND có miễn nhiệm không?...” – báo cáo nêu.
Cũng trong ngày làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); nghe báo cáo tờ trình và thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
ĐỨC MINH
NGUYỄN THẢO